Đại diện SeABank cho biết: SeABank vừa triển khai gói sản phẩm Smart và VIP nhằm tiết kiệm chi phí dành cho các doanh nghiệp. Theo đó, chỉ cần có tài khoản thanh toán tại SeABank, khách hàng doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ gói tài khoản Smart và VIP sẽ được miễn hoàn toàn phí chuyển tiền trong hệ thống; phí chuyển tiền đi ngoài hệ thống với số tiền dưới 500 triệu đồng; phí sử dụng dịch vụ Ngân hàng điện tử; phí sử dụng dịch vụ SMS; phí nộp - rút tiền mặt. Đồng thời, SeABank ưu đãi giảm 30% phí (đối với gói tài khoản Smart) và 50% phí (đối với gói tài khoản VIP) chuyển tiền đi ngoài hệ thống với số tiền từ 500 triệu đồng trở lên tại quầy giao dịch và dịch vụ Ngân hàng điện tử.
Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty cổ phần Dệt may Huế. Ảnh: Quốc Việt /TTXVN |
Từ nay tới ngày 31/12, SeABank hỗ trợ vốn với lãi suất từ 7%/năm cố định trong 3 tháng, từ 7,5%/năm cố định trong 6 tháng đối với các khoản vay ngắn hạn bằng VND và lãi suất từ 3%/năm trong 6 tháng đối với các khoản vay ngắn hạn bằng USD.
“SeABank cam kết sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nhận định các khó khăn vướng mắc để xem xét và thẩm định vốn vay, áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp đạt hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời tư vấn cho nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng”, lãnh đạo SeABank nói.
Với mong muốn gia tăng tiện ích thanh toán, hỗ trợ quản lý và ghi nhận chi phí dành cho doanh nghiệp, SCB đang triển khai sản phẩm thẻ thanh toán (SCB C-Mastercard Debit). Với thẻ SCB C- Mastercard Debit, doanh nghiệp có thể chủ động quản lý chi phí, tiết kiệm thời gian, không cần tạm ứng công tác phí và các chi phí khác mà vẫn tách bạch được chi tiêu của cá nhân với doanh nghiệp; linh hoạt thanh toán tại hàng triệu điểm chấp nhận thẻ (POS) và máy ATM trên khắp mọi nơi trên thế giới, đồng thời còn tiết kiệm được chi phí kinh doanh từ những ưu đãi, quà tặng tại các đơn vị liên kết với SCB trong nhiều lĩnh vực như thời trang, ẩm thực, du lịch.
Để đẩy mạnh vay tín chấp những tháng cuối năm, nhiều ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đang tích cực hợp tác với nhau tìm tiếng nói chung để vừa khơi thông tín dụng cho doanh nghiệp vừa tăng trưởng tín dụng hiệu quả cho ngân hàng.
Theo các chuyên gia ngân hàng, hiện nay, đối với vay tín chấp, các ngân hàng đã có sự cởi mở hơn trước khi hàng loạt gói tín dụng không yêu cầu tài sản đảm bảo được đưa ra thị trường.
Mới đây, Ngân hàng OCB đã triển khai sản phẩm thấu chi dành cho doanh nghiệp, hạn mức tối đa 3 tỷ đồng bao gồm cả thấu chi có hoặc không có tài sản đảm bảo giúp khách hàng dễ dàng có nguồn vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh nhất là vào những lúc cao điểm. OCB cũng cho biết khi vay thấu chi, doanh nghiệp được giảm tối đa lãi vay qua hệ thống thu vốn vay tự động mỗi ngày với lãi suất, phí cạnh tranh nhất trên thị trường hiện nay.
Còn phía Techcombank cũng đang hỗ trợ các nhà phân phối tài trợ nhu cầu vốn kinh doanh trong hoạt động. Hạn mức được cấp không phụ thuộc tài sản đảm bảo là bất động sản mà dựa trên phương án kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), hiện nay, dư nợ tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng chiếm gần 22% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế và tăng 6,5% so với cuối năm 2016, với gần 200.000 khách hàng đang còn dư nợ tại các tổ chức tín dụng, tăng 10.500 khách hàng so với cuối năm 2016.
Tuy nhiên, Hiệp hội DNNVV Việt Nam cũng cho biết, trong nhiều năm qua, con số khoảng 70% DNNVV chưa tiếp cận được vốn tín dụng vẫn chưa thể giảm xuống được. Tổng dư nợ của khu vực kinh tế tư nhân hiện nay gần 4 triệu tỷ đồng, là điều không tương xứng khi mà các DNNVV đang chiếm 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam.