Theo nhận định ngày 27/2 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), tình trạng đối đầu hạt nhân Đông - Tây đang quay trở lại trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh Lạnh mới. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu công nghệ hạt nhân dân sự sẽ hình thành "chiến trường" mới - nơi mà Nga và Trung Quốc có thể đánh bại Phương Tây.
Các tháp làm nguội tại nhà máy điện hạt nhật Kalinin, Nga. Ảnh: telegraph.co.uk |
Nhu cầu về năng lượng hạt nhân đã gia tăng trở lại sau thảm họa Fukushima ở Nhật Bản hồi năm 2011. Theo dự báo của hãng Bloomberg, sản lượng điện hạt nhân trên phạm vi toàn cầu sẽ tăng khoảng 69% từ 345 GW năm 2012 lên 583 GW năm 2030. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết hơn 3/4 số lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng nằm ở các nước không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Cả Nga và Trung Quốc đang ráo riết cạnh tranh để chiếm thị phần điện hạt nhân với Phương Tây. Theo đó, 37% số lượng các cơ sở hạt nhân dân sự đang được xây dựng trên thế giới là do Nga đảm trách, tiếp theo là Trung Quốc chiếm 28%.
Trong tương lai, Nga và Trung Quốc có thể thống trị thị trường hạt nhân dân sự. Theo IISS, mặc dù thị phần toàn cầu giảm đáng kể trong cuộc chiến cạnh tranh với Nga và Trung Quốc, nhưng Phương Tây có thể tìm lại ảnh hưởng của mình đối với lĩnh vực quản lý, giám sát và vận hành cũng như áp đặt quy chuẩn an toàn hạt nhân.
TN