Nga nỗ lực kiềm chế khủng hoảng đồng ruble

Trong khi nền kinh tế đang lao dốc và có nguy cơ rơi vào suy thoái trong bối cảnh giá dầu giảm sâu và bị phương Tây trừng phạt, Nga đã có thêm động thái nhằm bảo vệ giá trị đồng ruble.

Đồng ruble của Nga đang trong thời kỳ khủng hoảng. Ảnh: AFP/TTXVN


Theo thông báo ngày 23/12, chính phủ Nga đã chỉ thị cho 5 doanh nghiệp nhà nước lớn giảm dự trữ ngoại tệ về mức hồi tháng 10 và không tăng dự trữ ngoại tệ cho đến tháng 4 năm sau. Các doanh nghiệp này gồm tập đoàn khí đốt Gazprom, hai tập đoàn dầu mỏ Rosneft và Zarubezhneft, hai nhà sản xuất kim cương Alrosa và Kristall.

Khi các doanh nghiệp này thực hiện chỉ thị của chính phủ, họ sẽ đưa ra thị trường từ 40 đến 50 tỷ USD từ nay cho đến ngày 1/3/2015 với mức 1 tỷ USD/ngày. Đại diện ban giám đốc từng doanh nghiệp này sẽ họp với chính phủ Nga để bàn kế hoạch tung ngoại tệ ra thị trường để ổn định tình hình. Ngân hàng Trung ương Nga được giao nhiệm vụ giám sát quá trình này. Các doanh nghiệp sẽ nộp báo cáo hàng tuần về lượng tài sản bằng ngoại tệ của mình cho Ngân hàng Trung ương Nga.

Chỉ thị của chính phủ Nga đã được Tập đoàn Rosneft ủng hộ. Phó Chủ tịch Rosneft, ông Mikhail Leontvev, nhận định các doanh nghiệp lớn Nga cần hợp tác với chính phủ để hỗ trợ đồng ruble trong bối cảnh kinh tế Nga chịu nhiều sức ép từ các thế lực bên ngoài.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải tăng lãi suất lên 17%. Mặc dù động thái này có thể hỗ trợ giảm áp lực bán đồng ruble nhờ khuyến khích nhà đầu tư giữ đồng ruble, nhưng điều này sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp và các hộ gia đình Nga nếu lãi suất này được duy trì quá lâu. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã cam kết giảm lãi suất khi đồng ruble ổn định. Dù vậy, ông cũng phải thừa nhận rằng Nga đang đối mặt với nguy cơ suy thoái sâu hơn, khó hồi phục hơn do vướng các lệnh trừng phạt. Trong cuộc họp ngày 23/12. Ông Medvedev nói: “Một số nước đang ngăn chặn đà phát triển của nền kinh tế Nga. Điều này là tin buồn và tồi tệ nhưng tất nhiên chúng ta sẽ vượt qua”.

Một số nhà phân tích cảnh báo rằng nếu các biện pháp hỗ trợ đồng ruble của chính phủ Nga thất bại, nước này có thể buộc phải áp đặt biện pháp kiểm soát tiền tệ. Hiện đồng ruble của Nga đã mất giá hơn 45% so với đồng USD kể từ tháng 1. Giữa tháng 12, có lúc phải cần tới 80 ruble mới đổi được 1 USD trong khi nửa đầu năm 2014, tỷ giá là 30 ruble ăn 1 USD.

Cú sốc nặng nề của nền kinh tế Nga, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng, phần lớn do giá dầu giảm. Giá dầu ở New York đã giảm khoảng một nửa kể từ tháng 6, hiện đứng ở mức chưa đầy 55 USD/thùng.

Do đó, các chuyên gia cảnh báo rằng bất kỳ biện pháp nào của Ngân hàng Trung ương Nga cũng sẽ không đủ để củng cố lại niềm tin của nhà đầu tư với đồng ruble. Chỉ khi giá dầu tăng trở lại, phương Tây giảm trừng phạt thì kinh tế Nga mới bắt đầu hồi phục. Còn nếu như đà hiện nay, giá trị xuất khẩu của Nga sẽ giảm 30%, nhập khẩu giảm 50% vào năm 2015. Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo cuối năm cũng cho rằng sẽ phải mất 2 năm để kinh tế Nga thoát khỏi tình trạng hiện nay.

Các vấn đề mà nền kinh tế Nga đang gặp phải đã khiến tổ chức xếp hạng tín nhiệm tín dụng S&P ngày 23/12 thông báo sẽ xem xét hạ bậc tín nhiệm tín dụng của Nga từ BBB- xuống mức “tiêu cực”. Khả năng Nga bị hạ bậc ít nhất là 50%. Giữa tháng 1/2015, S&P sẽ công bố quyết định.

Thùy Dương
Nga khẳng định bằng chứng liên đới của Ukraine trong vụ MH-17
Nga khẳng định bằng chứng liên đới của Ukraine trong vụ MH-17

Phát ngôn viên chính thức của Ủy ban Điều tra LB Nga, ông Vladimir Markin, cho biết qua điều tra đã thu được bằng chứng về sự liên đới của máy bay quân sự Ukraine trong vụ tai nạn máy bay Boeing-777 của Malaysia trên bầu trời tỉnh Donetsk.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN