Nữ phát ngôn viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), Oana Lungescu, phát biểu khi kết thúc phiên họp bất thường của Hội đồng Nga- NATO diễn ra ngày 2/6 ở thủ đô Brussels của Bỉ, cho biết hai bên đã thảo luận rất thẳng thắn nhưng không tìm được tiếng nói chung về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.Nữ phát ngôn viên Lungescu nói rõ cuộc họp diễn ra dưới hình thức một cuộc trao đổi quan điểm thẳng thắn, nhưng bộc lộ rõ những quan điểm khác biệt cơ bản về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, căn nguyên của nó, các diễn biến cũng như cách thức giải quyết.
Một phiên họp của Hội đồng Nga - NATO.
|
Bà Lugescu còn cho biết các nước thành viên NATO đã nhắc lại lập trường phản đối việc Crimea sáp nhập vào Nga, ca ngợi cuộc bầu cử tổng thống mới đây ở Ukraine là trong sạch và kêu gọi Nga can dự trên tinh thần xây dựng với Tổng thống mới được bầu của Ukraine. Đại diện các nước thành viên NATO cũng kêu gọi Nga tôn trọng các cam kết quốc tế và rút quân khỏi biên giới với Ukraine. Song, bà Lugescu không đề cập phản ứng của Đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko.
NATO đã ngừng mọi hợp tác với Nga sau khi nước này sáp nhập vùng Crimea, song vẫn tổ chức cuộc họp bất thường nói trên theo đề xuất của Nga với lý do cần duy trì một kênh ngoại giao mở.
* Theo kế hoạch, các bộ trưởng quốc phòng NATO nhóm họp ở Brussels trong ngày 3/6 để xem xét những biện pháp dài hạn hơn nhằm tăng cường các hoạt động phòng thủ ở Đông Âu và khả năng đối phó với cái tổ chức này coi là "chiến thuật của Nga ở Ukraine".
Đại sứ Mỹ tại NATO Douglas Lute cho biết NATO nhận thức rõ cuộc khủng hoảng ở Ukraine là thách thức nghiêm trọng nhất đe dọa sự ổn định ở châu Âu kể từ khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Các biện pháp mới nằm trong Kế hoạch sẵn sàng hành động mà Tổng Thư ký NATO Fogh Rasmussen muốn lãnh đạo NATO thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này ở Anh vào tháng 9 tới.
Trong 3 tháng kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, liên quân do Mỹ chỉ huy đã tăng cường các cuộc tập trận nhằm làm yên lòng các đồng minh Đông Âu đang lo ngại với Nga, song khẳng định không can thiệp quân sự vào Ukraine. Ba Lan từng đề nghị NATO đóng quân lâu dài trên lãnh thổ nước này, động thái bị Nga cảnh báo là vi phạm thỏa thuận năm 1997 giữa Nga và NATO.
Tướng không quân Mỹ Philip Breedlove tháng trước nhận định NATO phải xem xét việc đóng quân lâu dài ở Đông Âu, song một số nước thành viên NATO khác cho rằng việc làm này là quá tốn kém, không cần thiết và có thể kích động Nga. Những nước này cho rằng NATO có thể đối phó với Nga bằng cách tăng cường khả năng ứng phó nhanh.
TTXVN/ Tin tức