Đã thành thông lệ, hàng năm vào tháng 10 âm lịch, bà con dân tộc Hà Nhì ở huyện Mường Tè lại tổ chức đón Tết “Hồ Sự Chà”. Ngày Tết truyền thống này tổ chức để mừng cho vụ mùa bội thu, cầu mong tổ tiên phù hộ cho năm mới mọi điều may mắn, tốt lành.Các gia đình giã gạo nếp để làm bánh dày, bánh trôi cúng tổ tiên và biếu khách đến chúc Tết gia đình. |
Ngày Tết “Hồ Sự Chà” được tính từ ngày Thìn (tức là ngày con rồng) của tháng 10 âm lịch. Theo quan niệm của người Hà Nhì đây là ngày tượng trưng cho sự bình an, giàu có. Để chuẩn bị Tết Hồ Sự Chà, các gia đình đồ xôi, giã bánh dày, làm bánh trôi, mổ lợn. Các gia đình làm rất nhiều bánh dày, cứ hai cái một cặp để dâng tổ tiên, sau đó thì chia cho con cháu hưởng lộc, phần còn lại thì gia đình làm quà cho khách. Trong ngày Tết, người Hà Nhì dâng 3 cái bánh trôi lên bàn thờ tượng trưng cho con người, lương thực, thực phẩm; 3 bánh này hết Tết sẽ được bỏ vào bếp lò nướng xem cái nào phồng to thì biết năm tới thứ đó sẽ phát triển tốt nhất.
5 giờ sáng ngày mồng một Tết, mỗi gia đình cử một thành viên ra suối đầu bản lấy nước về để nấu nướng, vì lúc ấy nước đầu nguồn sạch, không vướng bẩn.
|
Ngày Tết đối với người Hà Nhì, mỗi nhà đều mổ một con lợn, dù lớn hay nhỏ để lấy thịt cúng tổ tiên, ăn Tết nhưng quan trọng là lấy bộ gan để xem điều tốt, xấu của năm tới. |
Mâm cúng sáng ngày thứ nhất đặt lên bàn thờ tổ tiên ngoài bát nước chè, bánh dày, bánh trôi, rượu, gừng, gói muối ớt còn phải có thêm thịt lợn, các loại hoa quả, các sản vật trồng trong vườn nhà, lấy mỗi thứ một ít. Người Hà Nhì vẫn giữ được phong tục truyền thống, sáng ngày mùng 1 Tết, con cháu nội ngoại đều đến chúc Tết ông bà và cúi lạy bàn thờ tổ tiên. Sau khi cúng xong thì cả gia đình cùng ăn bữa cỗ mừng năm mới. Cháu nội, cháu ngoại cũng được ông bà chia lộc và cầu phúc cho lớn nhanh, mau chóng trở thành trụ cột trong gia đình. Con dâu mới trong nhà được mẹ chồng cho lộc cúng bàn thờ và cầu mong cho con dâu khỏe mạnh, gia đình thuận hòa, êm ấm.
Sáng mồng một, các gia đình soạn sửa lễ cúng, nữ chủ gia đình đảm nhiệm dâng lễ lên bàn thờ để cúng tổ tiên. |
Cúng tổ tiên xong, ông bà chia lộc và chúc con cháu mạnh khỏe, năm mới gặp nhiều may mắn. |
Ngày đầu xuân, cả gia đình đoàn tụ bên mâm cơm, gửi tới nhau những lời chúc năm mới an lành, tươi vui hơn năm cũ. |
Sau bữa cơm gia đình, mọi người đi chơi hội xuân. |
Ngày mùng 1 Tết, các gia đình người Hà Nhì rất thích được đón các em bé từ 12 tuổi trở xuống, không kể trai, gái đến xông nhà, cho đó là điều may mắn của gia đình. Bữa cơm tụ họp gia đình xong, mọi người mặc trang phục truyền thống dân tộc rất đẹp để đi hát, đi chúc Tết từ bản nọ sang bản kia. Thanh niên thường tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như: Đánh cầu lông gà, hát giao duyên, đánh cù... Có lẽ sôi động nhất là khu vực hát múa cộng đồng, bởi ở đó đông vui, rộn ràng tiếng chiêng, tiếng trống. Vào ngày thứ 3, kết thúc Tết Hồ Sự Chà, tức là ngày con dê (Zo - no), các gia đình làm một mâm lễ cúng Trời Đất để cảm ơn đã ban sức khỏe, che chở và cầu mong năm mới mùa màng sẽ bội thu, súc vật đầy đàn, mọi người trong nhà được bình an...
Bài và ảnh: Việt Hoàng