Lắng sâu nghĩa tình Tây Bắc

“Chương trình “Nghĩa tình Tây Bắc” có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là một hoạt động thiết thực thể hiện sự tri ân của chúng ta với các liệt sỹ, thương binh; là sự động viên, khích lệ, góp thêm một lời cảm ơn của đồng bào cả nước tới những con người rất bình dị - họ đại diện cho hàng triệu người con Việt Nam đang ngày đêm thầm lặng cống hiến, đóng góp trí tuệ và sức lực nhỏ bé của mình vào sự nghiệp phát triển chung của vùng Tây Bắc”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc phát biểu khai mạc Chương trình giao lưu nghệ thuật “Nghĩa tình Tây Bắc”.

Vùng đất biên cương

Chương trình giao lưu nghệ thuật “Nghĩa tình Tây Bắc” nhằm giới thiệu truyền thống lịch sử cách mạng, con người, tiềm năng, lợi thế, vị trí, tầm quan trọng, cũng như những khó khăn hiện nay của vùng đất biên cương; thể hiện tình cảm, tấm lòng, nghĩa tình của cả nước với Tây Bắc, Tây Bắc với cả nước trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc trao hoa cho gương điển hình cựu chiến binh và đại diện gia đình liệt sĩ.



Ngày 5/11/2014, 56 gương điển hình tiêu biểu của vùng Tây Bắc vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thành kính báo công với Bác Hồ, quyết tâm làm tốt hơn nữa, gắn bó góp công sức xây dựng vùng đất khó Tây Bắc. Cùng ngày, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp mặt và biểu dương 56 gương điển hình tiêu biểu là thương binh gương mẫu, đại diện gia đình liệt sỹ tiêu biểu và các tấm gương điển hình tiên tiến vùng Tây Bắc.

Vùng Tây Bắc bao gồm 12 tỉnh và các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước. Xây dựng vùng Tây Bắc phát triển toàn diện, bền vững vừa là yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh lâu dài của đất nước. Tây Bắc còn là vùng đất có bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng với nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, nhiều địa danh gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc. Đồng bào các dân tộc anh em Tây Bắc cùng sinh sống gắn bó lâu đời, có truyền thống yêu nước, đoàn kết, kiên cường chống ngoại xâm; có ý thức trong lao động, sản xuất, vươn lên thoát khỏi đói nghèo và quyết tâm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Tại lễ khai mạc chương trình nghệ thuật, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chào mừng và chỉ đạo: …Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tây Bắc phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu. Trong đó, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong học tập, lao động, sản xuất sẽ góp phần quan trọng để triển khai thực hiện có kết quả chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước trên địa bàn, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào các dân tộc Tây Bắc…

Trong trái tim nhân dân

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, sự đồng lòng cố gắng của chính quyền và nhân dân trong vùng, Tây Bắc đã có nhiều đổi thay, vươn lên từ gian khó từ sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Sự thay đổi của Tây Bắc ngày hôm nay không thể không nói tới sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của những con người bình dị là cô giáo, y bác sỹ, những cán bộ, chiến sỹ công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Hoàng Xuân Lương, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng hoa cho các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu vùng Tây Bắc.



Họ đều có 1 trái tim nóng, một tinh thần nhiệt huyết không ngại khó, ngại khổ trong công tác, lao động, sản xuất, cống hiến công sức và trí tuệ, góp phần cho sự phát triển của Tây Bắc. Trong khuôn khổ của chương trình “Nghĩa tình Tây Bắc”, Ban tổ chức và các tỉnh trong vùng Tây Bắc đã lựa chọn được 56 tấm gương sáng là gương điển hình tiên tiến, thương binh gương mẫu, đại diện gia đình liệt sỹ tiêu biểu đã có nhiều thành tích nổi bật, góp phần vào sự phát triển của Tây Bắc trong suốt những năm qua để tôn vinh.

Cô giáo Trần Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu là một trong 56 điển hình tiên tiến tiêu biểu trong các lĩnh vực công tác khác nhau để tôn vinh. Phượng quê ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, học trung cấp mầm non ra trường, nghe bạn bè giới thiệu về Lai Châu hấp dẫn nên nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Trúng tuyển, Phượng được phân về Trường mầm non xã Mù Cả, huyện Mường Tè, cô cảm giác mình đã chùng bước vì thấy khó khăn, vất vả, ngoài sức tưởng tượng, mặc dù đã có sự chuẩn bị trước.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc “Nghĩa tình Tây Bắc”. Ảnh: Viết Tôn


Về điểm bản nhận lớp, bà con không biết tiếng phổ thông, đi vào phải leo núi, lội suối, trường lớp tạm bợ thì cô giáo Phượng cảm giác nản chí hơn. Đồng nghiệp động viên, người dân quan tâm dựng nhà, sẻ chia mớ rau, bó củi, mớ cá suối, củ sắn… thì cô có động lực ở lại và gắn bó lâu dài với mảnh đất khó Mù Cả. Chứng kiến sự đổi thay của xã Mù Cả, cô giáo Trần Thị Phượng cho biết: “Mù Cả giờ đổi thay rất nhiều, hiện nay đã có đường vào tới trung tâm xã, đến các điểm bản, có sóng điện thoại, trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống và nhận thức của người dân được nâng lên, phụ huynh dần quan tâm đến việc học của con cái”. Phượng còn ví von “Mù Cả không còn cả mù như trước nữa, chỉ còn sương sớm mù mịt và giá lạnh thôi”.

Vùng Tây Bắc đổi thay nhờ vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số như: Chương trình 30a hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Chương trình 134 hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Chương trình 135 phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi… Bên cạnh đó, nhân dân cả nước luôn nặng lòng với Tây Bắc, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, nghèo đói, thiên tai, dịch họa, thường xuyên tài trợ, hỗ trợ, ủng hộ để xây dựng cơ sở hạ tầng và ổn định đời sống nhân dân.

Bài và ảnh: Việt Hoàng

Coi trọng chất lượng nguồn nhân lực và an sinh xã hội
Coi trọng chất lượng nguồn nhân lực và an sinh xã hội

Trong những năm qua, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng đã nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù sát hợp với thực tiễn nơi vùng cao Tây Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN