Nâng chất lượng lao động xuất khẩu

Thực hiện Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án hỗ trợ các huyện nghèo trong cả nước đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020, trong 5 năm (từ 2009 đến nay), toàn tỉnh Bắc Kạn đã có 1.530 lao động được xuất khẩu.


Hàng năm, các địa phương trong tỉnh đã tư vấn việc làm, học nghề cho hơn 3.500 lượt người; tỉnh cũng đã kiểm tra và giới thiệu hơn 20 doanh nghiệp có uy tín đến tuyển chọn lao động đi xuất khẩu, vận động các ngân hàng đóng trên địa bàn cho 139 hộ vay vốn xuất khẩu lao động với số tiền trên 4,8 tỷ đồng. Các trường dạy nghề cũng đã đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy với những ngành nghề phù hợp với lao động nông thôn và thị trường xuất khẩu lao động như xây dựng, mộc, cơ khí, may mặc…


Tuy nhiên chất lượng lao động của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu khắt khe của thị trường tuyển lao động, nhất là các thị trường có thu nhập cao. Lý do chủ yếu là do thiếu lao động có tay nghề cao, ngoại ngữ còn yếu, thiếu tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao. Công tác thông tin tuyên truyền về xuất khẩu lao động ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, hình thức tuyên truyền còn đơn giản, mang tính hành chính. Bên cạnh đó, ý thức vươn lên thoát nghèo của người lao động chưa cao, còn trông chờ ỷ lại vào chế độ chính sách của Nhà nước...


Trong những năm tới, Bắc Kạn phấn đấu mỗi năm tuyển được từ 640 người trở lên tham gia đào tạo dự án hỗ trợ xuất khẩu lao động theo Quyết định 1201/QĐ-TTg và 200 người tham gia đào tạo dự án hỗ trợ xuất khẩu lao động theo Quyết định 71/QĐ - TTg; trong đó ít nhất 60% lao động tham gia đào tạo được đi làm việc ở nước ngoài; tăng số lượng, chất lượng lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số...


Đức Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN