Nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa dân tộc - Bài cuối

Bài cuối: Để nhà văn hóa cộng đồng phát huy hiệu quả


Đã đến lúc, các địa phương cũng như cơ quan quản lý văn hóa cần tính đến việc làm thế nào khai thác tốt nhất hiệu quả của các nhà văn hóa cộng đồng.

 

Khi các hoạt động ở nhà văn hóa cộng đồng thỏa mãn nhu cầu tâm linh, văn hóa và sinh hoạt cộng đồng thì nó sẽ thực sự “sống” trong từng buôn, làng, bản. Ảnh: Quang Cường

 

“Tối nay bà con họp, xem văn nghệ tại nhà văn hóa bản…” phát thanh viên loa phát thanh xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai dường như đã quen miệng mỗi khi có chương trình tuyên truyền gì cần phổ biến tới nhân dân các dân tộc tại xã giáp biên này. Nhà Văn hóa thôn bản đã và đang thực sự là mái ấm cộng đồng trong các hoạt động văn hóa - xã hội tại xã Quang Kim nói riêng và huyện vùng biên Bát Xát nói chung. Già làng Vương Văn Sảng (bản Làng Toòng, xã Quang Kim) vui vẻ cho biết: “Nhà văn hóa bản mình giờ cũng đã được lợp lại sau trận mưa đá hồi mấy tháng trước. Không những vậy, cán bộ xã còn huy động trai, gái trong bản quét vôi ve đẹp lắm. Giờ có gì muốn nói với mọi người ra nhà văn hóa gặp thôi, dễ hơn xưa nhiều rồi”.


Nhưng để có được câu “dễ hơn xưa nhiều rồi” ấy là cả một nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Lào Cai. Theo tìm hiểu của phóng viên, suốt một thời gian dài nhà văn hóa tại các thôn, bản tại xã này dường như “nằm ngủ”. Vì không được đầu tư trang thiết bị bàn ghế, loa đài, không có cơ chế cho người trông giữ nên xây xong rồi để đó, rất ít khi được sử dụng. Không chỉ xã Quang Kim, mà cả các xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai, trong giai đoạn từ năm 2001 - 2005 việc xây dựng nhà văn hóa xã, thôn, bản đã không mang lại hiệu quả cao. Trước tình hình đó, những năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai đã phải cố gắng rất nhiều trong việc chỉ đạo, đầu tư xây dựng nhà văn hóa nhằm trả lại ý nghĩa của nhà văn hóa thôn bản là mái ấm cộng đồng trong các hoạt động văn hóa, chính trị và xã hội tại địa phương. Hiện tỉnh Lào Cai đang chỉ đạo chính quyền các địa phương phải chú ý tới tập quán vùng miền, dân tộc và phân bố dân cư khi xây dựng nhà văn hóa. Đó chính là cách làm để nhà văn hóa có thể phát huy được hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, đây là điều không phải nhiều địa phương đã làm được.


Trước tình trạng nhiều nhà văn hóa xuống cấp, ông Điểu Bảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai đề nghị, các cấp chính quyền cần dành sự quan tâm để duy trì hoạt động, sửa chữa những phần bị xuống cấp, hư hỏng của nhà văn hóa. Tỉnh Đồng Nai sẽ đầu tư khoảng 200 triệu đồng mua 6 bộ cồng chiêng và một số vật dụng trang bị cho các nhà văn hóa dân tộc. Khi có cồng chiêng, cần mở các lớp dạy đánh cồng chiêng, dạy các bài hát dân ca, điệu múa truyền thống của người dân tộc thiểu số tại nhà văn hóa cộng đồng… hoạt động này sẽ giúp duy trì bản sắc văn hóa của đồng bào.


Ở Gia Lai, để các nhà văn hóa cộng đồng phát huy hiệu quả, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với ngành VH, TT & DL đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực để làm "sống" lại các hoạt động. Trước hết, giao quyền và trách nhiệm cụ thể quản lý nhà văn hóa, ban hành nội quy, quy chế sử dụng và có hình thức xử phạt nghiêm đối với hành vi phá hoại tài sản công. Đồng thời huy động từ nhiều nguồn vốn để đầu tư tu sửa và mua sắm các loại trang thiết bị bên trong, đảm bảo hoạt động có hiệu quả, phải xây dựng thành khuôn viên cần riêng biệt có tường rào, giếng nước, nhà vệ sinh, điện thắp sáng... Ngoài ra, tổ chức các lớp tập huấn cho các già làng (hoặc người quản lý) để nâng cao năng lực quản lý, tạo sự gắn kết với các hội, đoàn thể ở địa phương thường xuyên tổ chức sinh hoạt tại nhà văn hóa.


Còn tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa, phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai quy hoạch quỹ đất xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao cấp huyện, xã, thôn… đồng thời đẩy mạnh khuyến khích xã hội hóa để xây mới, sửa chữa, nâng cấp, mua trang thiết bị cho các nhà văn hóa. Tỉnh Đắk Lắk thì chỉ đạo các địa phương ưu tiên quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, bố trí kinh phí mua sắm các trang thiết bị để trang bị bên trong cho các nhà văn hóa cộng đồng, có chế độ phụ cấp cho ban chủ nhiệm quản lý nhà văn hóa cộng đồng. Vận động các đơn vị kết nghĩa với các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư nguồn vốn xây dựng tường rào, giếng nước, nhà vệ sinh, điện thắp sáng cho các nhà văn hóa cộng đồng, tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào phát huy tinh thần trách nhiệm, tự giác gìn giữ, bảo vệ các nhà văn hóa cộng đồng…

 

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, mô hình và nội dung hoạt động của nhà văn hóa cộng đồng phải xuất phát trên nền tảng bản sắc văn hóa của từng dân tộc, từng buôn làng cụ thể. Để nhà văn hóa cộng đồng không giống như một ngôi nhà “bỏ hoang”, các thiết chế văn hóa phải phù hợp cho từng địa phương và từng vùng, miền. Nhà văn hóa cộng đồng phải trở thành không gian thiêng, mọi hiện vật trưng bày trong nhà văn hóa cộng đồng là những hình ảnh đẹp nhất, thiêng liêng nhất của buôn làng. Khi ấy niềm tin con người mới hướng về nhà văn hóa cộng đồng, coi nó như một biểu tượng văn hóa của cộng đồng. Và khi các hoạt động ở nhà văn hóa cộng đồng thỏa mãn nhu cầu tâm linh, văn hóa và sinh hoạt cộng đồng thì nó sẽ thực sự “sống” trong từng buôn, làng, bản.


Nhóm PV

Nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa dân tộc - Bài 2
Nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa dân tộc - Bài 2

Nhiều quy định chung chung, không tính đến đặc thù của từng vùng miền, chưa phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào, thiếu trang thiết bị… là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiệu quả đầu tư và sử dụng các nhà văn hóa cộng đồng còn thấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN