Nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa dân tộc - Bài 1

Bài 1: Lãng phí nhà văn hóa cộng đồng dân tộc


 

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến đời sống văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc trong cả nước. Ngoài việc khôi phục lại nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian, hàng trăm nhà văn hóa cộng đồng cũng đã được đầu tư xây dựng ở hầu khắp các thôn, bản, buôn, làng. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng các nhà văn hóa cộng đồng ở nhiều nơi hiện nay còn rất lãng phí. Làm thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa cộng đồng các dân tộc là việc các cơ quan quản lý cần quan tâm.

Nhà văn hóa cộng đồng bon Đắk Mâm, xã Đắk Sắk 3 năm không hoạt động đã trở thành khu nhà bỏ hoang. Ảnh: BáoĐắkNông

 

Nhiều nhà văn hóa đã được xây, nhưng sử dụng lại rất ít, có nơi bỏ hoang. Nhiều nhà văn hóa trong tình trạng xuống cấp nhưng không được đầu tư, sửa chữa. Đó là thực trạng hiện nay của nhà văn hóa cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc trên cả nước.

 

Tỉnh Đắk Nông có 133 nhà văn hóa cộng đồng tại các thôn, buôn, bon đồng bào dân tộc thiểu số, thì có đến 70/133 nhà văn hóa xuống cấp, hư hỏng (chiếm 52,63%). Điển hình như 20 nhà văn hóa huyện Krông Nô hầu hết đã xuống cấp, trong đó có 8 nhà văn hóa hầu như không hoạt động. Tại xã Quảng Phú, chỉ trong hai năm 2004 - 2005 đã đầu tư xây dựng 6 nhà văn hóa tại các buôn Sứk, buôn Dơng, bon Ktắk, bon Phe Ja Đắk Nui, bon Phe Ja Đắk Doh, bon Rbút, với tổng kinh phí xây dựng là 607,19 triệu đồng, được trang bị thêm các trang thiết bị như tủ sách, bàn làm việc, dàn âm thanh, ghế, một bộ chiêng… nhưng qua giám sát cho thấy, hầu hết các nhà văn hóa trên địa bàn xã đều hoạt động kém hiệu quả, trong đó có 3 nhà văn hóa đã không hoạt đồng nhiều năm nay.


Nhà văn hóa dân tộc xuống cấp, không sử dụng được, cũng là thực trạng đang diễn ra tại Đồng Nai. Điển hình như nhà văn hóa dân tộc Chơro (ấp 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) với diện tích hơn 9.900 m2. Do nằm xa khu dân cư, đi lại khó khăn, nên nhà văn hóa chủ yếu chỉ để tổ chức lễ hội cúng thần lúa (mỗi năm 1 lần vào tháng 3 âm lịch). Những tháng ngày còn lại, nơi đây gần như cửa đóng, then cài. Đến năm 2007, huyện Vĩnh Cửu mời nghệ nhân về dạy đánh cồng chiêng cho thanh niên dân tộc Chơro tại nhà văn hóa, tuy nhiên, hoạt động này chỉ duy trì được 1 năm rồi ngưng hẳn vì thiếu kinh phí. Đến năm 2009 thì nơi đây chính thức đóng cửa.

 

Không người trông coi, không được bảo quản nên hiện nay xung quanh nhà văn hóa cỏ dại mọc tràn lan, nhiều phần của căn nhà bị hư hỏng nặng. Hoạt động không hiệu quả, nên hiện nhà văn hóa này đã “chuyển qua” làm thư viện của UBND xã.


Nhà văn hóa các dân tộc tại ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú (Đồng Nai), được xây dựng từ năm 2002. Đây có thể coi là nhà văn hóa dân tộc hoạt động sôi nổi, thiết thực nhất ở Đồng Nai. Hàng năm, nhà văn hóa tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ, là nơi sinh hoạt của thanh niên vào tối thứ 7 hàng tuần; mở lớp dạy nghề cho người đồng bào dân tộc Châu Mạ, S’tiêng; lớp học đánh cồng chiêng. Ngoài ra, nhà văn hóa còn tổ chức chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc Châu Mạ để tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước; có thư viện với nhiều đầu sách; trưng bày khoảng 80 hiện vật của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, do xây dựng đã lâu và không được sửa chữa nên hiện trần nhà văn hóa đã bị thủng, dột nhiều chỗ, nền gạch bị bong tróc; những trang thiết bị như âm thanh, ánh sáng đa phần đã hư hỏng, không sử dụng được.


Tương tự, tỉnh Đắk Lắk hiện đã xây dựng mới trên 570 nhà văn hóa cộng đồng ở 605 buôn của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, qua khảo sát, toàn tỉnh Đắk Lắk chỉ mới có 30% nhà văn hóa cộng đồng ở các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức tốt các hoạt động, số còn lại hoạt động trung bình hoặc yếu kém. Thậm chí, có nhiều nhà văn hóa cộng đồng tổ chức khánh thành khá rầm rộ, nhưng liền sau đó đóng cửa không hoạt động, gây nhiều lãng phí. Còn tỉnh Gia Lai đã xây dựng được 749 nhà văn hóa cộng đồng, mức đầu tư bình quân 100 triệu đồng/nhà, chưa kể tiền mua trang thiết bị như bàn ghế, loa, âm thanh... Tuy nhiên, phần lớn các nhà sinh hoạt cộng đồng đều chưa phát huy tác dụng một cách thiết thực. Hiện tại có khoảng 150 nhà văn hóa sử dụng kém hiệu quả, hoặc không đưa vào sử dụng, nhiều nhà xuống cấp, cửa kính vỡ, nền nhà hỏng, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động thiếu, diện tích còn quá nhỏ không đủ chỗ sinh hoạt cho cộng đồng. Còn gần 600 nhà văn hóa còn lại thì thường xuyên được đưa vào sử dụng vào mục đích họp dân, tổ chức văn nghệ, hội thao trong các ngày lễ, kết hợp làm các lớp dạy mẫu giáo...Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn thực sự chưa đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả rõ nét, nhiều nhà sinh hoạt cộng đồng có những hoạt động còn mang tính hình thức, "năm thì mười họa" mới tổ chức được một lần.

 

Nhóm PV


Bài 2: Đâu là nguyên nhân?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN