Mừng rỡ, ưu tư ngày về nẻo thiện

Nhờ cải tải tạo tốt và quyết tâm phục thiện, hàng ngàn phạm nhân đã được đặc xá dịp Quốc khánh 2/9 này. Cuối tháng 8, nhiều phạm nhân ở trại 5 (Thanh Hóa) đếm từng giờ, từng phút đợi ngày được sum vầy cùng người thân và hòa nhập với cuộc sống “ngoài kia”. Với họ, song hành với niềm vui là những đêm âu lo mất ngủ...

 

Lập công chuộc tội


Trong số trên 260 phạm nhân Trại 5 được đặc xá dịp 2/9 này, phạm nhân Hoàng Mạnh Thắng được giới thiệu là một trường hợp tiêu biểu hơn cả.


Quê ở xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), do phạm tội buôn bán ma túy nên Thắng phải vào trại năm 1999. Cán bộ quản lý phân trại 1 cho biết, trong suốt 14 năm qua, Thắng rất quyết tâm cải tạo và chưa một lần vi phạm nội quy. Năm 2011, Thắng được chọn tham gia Đội tự quản và văn hóa thi đua trong phạm nhân nhằm giúp cán bộ giữ gìn an ninh trật tự trong trại. Đặc biệt, Thắng đã 2 lần lập công giúp cán bộ bắt quả tang việc bán ma túy trong tù.

Mạc Thị Liên (ngồi giữa) tham gia lớp học cho các phạm nhân về kiến thức cơ bản, kỹ năng hòa nhập sau ngày đặc xá.


Thắng lập “chiến công” đầu tiên vào năm 2011. Thắng còn nhớ rõ, sau hàng tháng trời theo dõi, một ngày vào lúc gần trưa, khi đi ngang một buồng giam, nhìn thấy một đối tượng có biểu hiện bán ma túy trong trại, Thắng đã quyết định báo cáo với cán bộ. Sau đó, Thắng cùng các anh em trong đội đã hỗ trợ các cán bộ quản giáo đến bắt giữ đối tượng, ngăn chặn kịp thời hành vi nuốt tang vật.


Theo Thượng tá Nguyễn Thành Phan, Phó Giám thị Trại giam số 5, cuộc sống trong trại giam vô cùng phức tạp. Đặc thù của trại là giam giữ phạm nhân án nặng, nhiều tiền án và có tới 70% số phạm nhân phạm tội liên quan tới ma túy. Không ít đối tượng với sự tiếp tay của người thân đã lén lút mang ma túy vào trại sử dụng, buôn bán bằng nhiều thủ đoạn tinh vi (cho vào quà thăm nuôi, nuốt vào bụng...) nên cửa điện tử và cán bộ quản lý không phát hiện được.


Do đó, khi vào Đội tự quản, Thắng phải chịu rất nhiều áp lực. “Khó khăn nhất là việc phải đương đầu với những đối tượng không chịu cải tạo. Tôi thường xuyên bị đe dọa bằng những lời chửi đổng, dọa đâm chém”, Thắng kể. Để bắt quả tang đối tượng, Thắng phải theo dõi ít nhất trong vài tháng. Khi có chứng cứ, anh mới cấp báo tới cán bộ. Được sự ủng hộ và hậu thuẫn của các cán bộ trại giam, đến năm 2012 Thắng tiếp tục lập công. Lần này tiếp tục phá thêm được một vụ buôn bán ma túy trong trại.


Với những thành tích đó, Hoàng Mạnh Thắng là một trong những người đứng đầu danh sách Trại 5 được đặc xá dịp này.


Băn khoăn ngày về


Thấm thía những sai lầm trong quá khứ, quyết tâm làm lại cuộc đời bằng nhiều việc hướng thiện là những điểm chung của nhiều phạm nhân thuộc diện được đặc xá dịp 2/9 này.


Tính đến thời điểm được đặc xá này, phạm nhân Thắng đã thụ án được 14 năm. Thắng chia sẻ dự định làm lại cuộc đời: “Khi được ra trại, trở về đời thường, cùng với sự hỗ trợ từ gia đình, tôi mong sẽ được Nhà nước cho vay vốn để khởi nghiệp. Tôi mong tới đây, sẽ có công việc phù hợp, có được cuộc sống của một người bình thường, một cuộc sống yên ổn. Thế là hạnh phúc lắm rồi”.


Cũng như Hoàng Mạnh Thắng, nhiều phạm nhân bên cạnh niềm vui được đặc xá thì tâm trạng cũng ngổn ngang nỗi lo, trong số đó có chị Bùi Thị Oanh (sinh năm 1978) quê ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Năm 1998, Oanh tham gia đường dây buôn bán phụ nữ. Bị bắt khi chuẩn bị đưa 3 nạn nhân cùng huyện bán ra nước ngoài, Oanh lĩnh án 11 năm tù. Với ý nghĩ phải vươn lên, chấp hành nội quy cải tạo tốt để sớm trở về, chị đã nỗ lực tham gia tất cả các công việc lao động, học tập, bởi vậy chị đã lọt vào danh sách đặc xá đợt này.


Được tha tù sớm 28 tháng, “thực lòng, điều tôi lo lắng nhất là khi về với cộng đồng, liệu mọi người có thông cảm, chấp nhận con người đã thay đổi của tôi hay họ xa lánh? Khi đi xin việc thì liệu người ta có chấp nhận người đã từng có tiền án như tôi hay không?”, chị Oanh tâm tư.


Ái ngại trước đường về gập ghềnh cũng là tâm tư của cô gái trẻ Mạc Thị Liên, phạm nhân chịu án 36 tháng tù giam vì tội môi giới mại dâm. Liên tần ngần cúi mặt: “Chắc chắn mọi người trong làng đều đã biết em như thế này rồi. Em sợ mai mốt về quê, mọi người sẽ ác cảm với em”. Một nỗi lo khác của Liên là tìm việc làm sau ngày ra trại. Liên có mơ ước mở một cửa hàng bán quần áo tại quê tuy nhiên cô biết điều này không hề đơn giản khi cô chỉ mới học hết lớp tám và hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn.


Mong cộng đồng đón nhận


Ưu tư trước ngày về, anh Thắng rất mong gia đình và cộng đồng luôn bên cạnh ủng hộ anh làm lại cuộc đời. Anh bày tỏ nguyện vọng, để tự tin hòa nhập tốt, rất cần được các đoàn thể địa phương tạo điều kiện, không xa lánh và nhìn nhận mình bằng con mắt khác. Sau ngày về, anh cũng rất tự tin và mong muốn mình có thể giúp chính quyền phần nào công tác ổn định trật tự tại địa phương.


Còn với chị Oanh, sau khi nhắc lại chuỗi ngày hối cải đầy nước mắt trong nhà giam suốt nhiều năm qua, chị rất quyết tâm: “Ngày trở về, nếu có công việc nào dù thu nhập không cao, tôi cũng sẽ cố gắng làm. Chỉ mong cộng đồng ghi nhận là tuy đã từng phạm tội nhưng bây giờ tôi không còn là người xấu”.


Theo Thượng tá Nguyễn Thành Phan, Phó Giám thị trại 5, hiện nay, những người làm công tác quản lý phạm nhân rất mong phạm nhân ra tù sẽ hướng thiện và không tái phạm vào con đường tội lỗi. Thượng tá Phan chia sẻ: “Giáo dục phạm nhân trong trại chỉ là một phần. Chúng tôi rất mong các ban ngành, chính quyền địa phương và đoàn thể, doanh nghiệp cùng chung tay giúp các phạm nhân sau khi được đặc xá về tái hòa nhập cộng đồng để các phạm nhân tránh tái phạm, để số người phạm tội bớt đi”.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN