Ở làng Len Tô, thị trấn Đắk Pơ, huyện Đắk Pơ, (Gia Lai) nhiều phụ nữ Ba Na vẫn miệt mài bên khung cửi, chăm chút cho từng họa tiết, đường dệt.
Nhiều thiếu nữ Ba Na ở làng Len Tô biết dệt thổ cẩm, tự dệt vải may áo cho mình và người thân. |
Bà Đinh Thị Quái, người dệt giỏi nhất làng Len Tô vừa thoăn thoát luồn chỉ vừa kể: "Trong mỗi ngôi nhà ở làng Len Tô không thể không có chiếc khung dệt, mỗi gia đình đều có ít nhất một người biết dệt thổ cẩm. Một năm, tôi chỉ dệt được 1 - 2 bộ đồ nam, nữ và chỉ dành để mặc cho những lễ đám quan trọng trong làng, trong gia đình, chứ không bán. Thỉnh thoảng, vẫn có người từ làng khác vào tìm mua đồ thổ cẩm, giá của mỗi bộ khá cao, từ 1,6 - 2 triệu đồng, nhưng chỉ khi nào có đồ dư thì dân làng mới bán”.
Người già ở làng Len Tô vẫn ngày ngày cặm cụi bên khung cửi để lưu giữ nghề truyền thống. |
Nhằm dạy cho con cháu biết dệt, người già trong làng vẫn tự tay trồng bông, kéo sợi, se sợi, nhuộm màu cho sợi và dùng sợi đó để dệt nên bộ đồ thổ cẩm đặc biệt cho riêng mình. Bà Kring, năm nay 70 tuổi, nhưng vẫn rất khỏe khoắn, minh mẫn. Lên 9 tuổi, bà đã được mẹ dạy biết cách quay bông, ép sợi, nhuộm màu. Theo bà Kring: “Để học được nghề dệt, cần phải có sự kiên nhẫn và tỉ mỉ, đôi khi là cả một quá trình lâu dài. Lũ trẻ giờ đây ít biết đến nghề dệt thổ cẩm, bởi giờ dệt bằng chỉ mua ở ngoài, chứ không ai biết tự làm sợi mà dệt. Chúng bảo làm thế khó quá, nhiều công đoạn không làm được. Chỉ có những đứa trẻ yêu thích mới học hỏi, tiếp thu được”.
Mỗi bộ trang phục được dệt bằng tay của đồng bào Ba Na có giá đến 2 triệu đồng. |
Vẫn biết để nghề thổ cẩm được duy trì bền vững lâu dài thì nguồn tiêu thụ sản phẩm là quan trọng nhất, nhưng với những người phụ nữ ở làng Len Tô, họ giữ gìn nghề dệt thổ cẩm bằng toàn bộ tấm lòng, bằng niềm tự hào về truyền thống của dân tộc mình.
Bài và ảnh: Quang Thái - Mộc Thanh