Cúng rừng cấm là một lễ thức dân gian mang tính cộng đồng đặc sắc của của đồng bào Nùng, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Hàng năm, vào ngày 30/1 âm lịch, người Nùng ở khắp các thôn bản trong huyện lại cùng nhau tổ chức Lễ cúng rừng cấm nhằm cầu chúc một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu…
Thày cúng Nông Đức Xuân chuẩn bị lễ cúng. |
Lợn và gà phải được rửa mặt và chân xong mới đem mổ để cúng. |
Xem chân gà để đoán trước về thời tiết, mùa màng, làm ăn của dân bản. |
Theo thày cúng Nông Đức Xuân, trong tâm thức đồng bào Nùng, rừng cấm là nơi thần rừng cư ngụ. Dân bản muốn có cuộc sống no đủ, gia đình được khỏe mạnh, không đau ốm thì không được xâm phạm vào nơi ở của thần rừng, không được chặt cây, lấy củi, săn bắt thú...
Lễ cúng rừng cấm của đồng bào Nùng ở Mường Khương rất đơn giản, gồm: 1 con gà trống, 1 con lơn cắp nách, rượu trắng và cơm. Sau khi lễ cúng được chuẩn bị xong, thầy cúng tiến hành tuần tự các bài cúng đối với từng lễ vật dâng lên thần rừng và mời thần rừng về dự lễ cúng, liệt kê những lễ vật mà dân làng dâng lên và mong các vị thần đón nhận.
Bài cúng kết thúc cũng là lúc thần rừng và các vị thần đã tề tựu đầy đủ và chấp nhận những lễ vật mà dân làng dâng lên. Bài cúng thể hiện lòng biết ơn thần linh đã che chở cho dân làng, hàm ý mong thần rừng phù hộ cho một năm mới mưa thuận gió hòa, để mọi người có sức khỏe dồi dào, cửa nhà êm ấm, làm ăn phát đạt.
Thày cúng phải cúng 5 lần để mời thần linh về chứng nhận. |
Trước đây, phụ nữ không được phép vào rừng cấm và tham gia buổi lễ. |
Lễ cúng rừng của đồng bào Nùng, nhưng các dân tộc khác trên địa bàn đều được tham dự. |
Nhờ ý thức bảo vệ rừng tốt, nên khu rừng cấm còn rất nhiều cây to. |
Trọng Thủy