Lai Châu: Xây dựng thương hiệu sản phẩm miến dong Bình Lư

Những năm qua, nghề làm miến dong ở xã Bình Lư, huyện Tam Đường (Lai Châu) đã tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Huyện Tam Đường đang khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng, hướng tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm miến dong Bình Lư đến tay người tiêu dùng trên cả nước. 

Chú thích ảnh
Nông dân xã Bình Lư phơi miến. Ảnh: baolaichau.vn

Phó Chủ tịch UNBD xã Bình Lư Lò Văn Thắng cho biết, năm 2014, xã được tỉnh cấp bằng công nhận hai làng nghề sản xuất miến dong, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân. Hiện Bình Lư có 35 ha dong riềng với khoảng 125 hộ gia đình trồng và gần 80 hộ gia đình chuyên sản xuất miến. Mỗi năm, toàn xã bán ra thị trường khoảng 170 tấn miến với giá trung bình 45.000-50.000 đồng/kg, thu về khoảng hơn 7 tỷ đồng. Nhờ đó, thu nhập của người dân trong xã ổn định, chất lượng cuộc sống ngày càng cải thiện.

Thực thế cho thấy, làm miến dong đã trở thành nghề chủ lực của địa phương, đem lại thu nhập cho người dân trên 35 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 17% năm 2012 xuống còn 11,25% vào năm 2019. Xã đã thành lập hợp tác xã dịch vụ thương mại sản xuất miến dong và đưa hệ thống máy móc, công nghệ mới vào sản xuất, nên chất lượng sản phẩm miến dong Bình Lư ngày được nâng cao, năng suất tăng gấp đôi so với làm thủ công; mẫu mã sản phẩm ngày càng đẹp về hình thức.

 Thị trường miến năm nay rất ổn định, giá miến rơi vào khoảng 50.000 đồng/kg, đầu ra cũng không phải lo vì thương lái ở các tỉnh miền xuôi đặt hàng liên tục. Sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó, có lúc không kịp làm cho các đơn hàng.

Theo lời kể của người cao tuổi trong làng, nghề sản xuất miến được du nhập vào bản Thống Nhất, xã Bình Lư từ những năm 1970. Khi ấy, người dân nơi đây làm miến dong chỉ đơn giản là để ăn và nhớ về bát miến quê hương bởi hầu hết họ là người Thái Bình di cư lên xây dựng vùng kinh tế mới.

Từ năm 2000 trở lại đây, khi giao thương hàng hóa phát triển, sản phẩm miến dong Bình Lư không chỉ có mặt ở thị trường địa phương, mà còn được các thương lái vận chuyển đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước và trở thành sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh Lai Châu.

 Quy trình làm miến dong ở Bình Lư hoàn toàn bằng dong riềng nguyên chất, không pha trộn các loại bột khác và không sử dụng hóa chất để tẩy trắng. Miến ra khuôn được phơi nắng trên các giàn tre để không bị giòn, gãy. Sợi miến nhỏ có màu trong hơi xám, khi nấu sợi dẻo, mềm, dai, không nát, có vị thơm ngon của dong riềng. Người dân Bình Lư làm miến quanh năm nhưng thường tập trung vào khoảng 3 tháng cuối năm để bán dịp Tết Nguyên đán.

Để làm thành một sợi miến khô phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu trồng dong riềng đến thu hoạch củ, đem đi xay bột... Sau đó, lọc bột loại bỏ tạp chất, làm chín bột và cho vào khuôn cắt thành từng sợi mới mang đi phơi khô. Tất cả những công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì, khéo léo của đôi bàn tay người nông dân Bình Lư.

Gia đình anh Đặng Văn Thuận ở bản Thống Nhất, xã Bình Lư có quy mô hơn 200 phên phơi miến. Hai vợ mải miết với công việc dưới trời nắng hơn 30 độ C và tranh thủ chia sẻ, những ngày nắng, họ rất bận rộn. Hàng ngày phải thức dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị đồ, làm từ 2-3 mẻ miến mỗi ngày. Mỗi mẻ gồm 6 thùng bột với 72 kg bột và thu được hơn 30 kg miến khô.

Trước đây, anh Thuận đã từng làm miến nhưng sau đó chuyển sang lái xe ô tô cho một công ty. Đến năm 2017, nhận thấy nghề làm miến mang lại hiệu quả kinh tế ổn định và muốn giữ gìn nghề mà ông cha để lại nên anh Thuận xin nghỉ việc để về đầu tư máy móc làm miến. Tận dụng diện tích đất khoảng 3.000 m2, anh trồng cây dong riềng để phục vụ nguyên liệu làm miến, nhằm giảm chi phí mua ngoài.

So với làm nghề nông nghiệp khác thì làm miến dong mang lại thu nhập cao hơn. Mỗi năm gia đình sản xuất khoảng 7 - 8 tấn bột dong, bán ra thị trường 5 - 6 tấn miến khô. Trừ chi phí, vợ chồng anh lãi gần 100 triệu đồng. Sau hơn 2 năm làm miến, vợ chồng anh đã trả hết số tiền vay ban đầu là 200 triệu đồng. Cùng đó, xây dựng thêm được cơ sở sản xuất miến khang trang.

Ông Nguyễn Hồng Quân - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho biết, hiện việc sản xuất miến dong ở Bình Lư gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu do các giống dong bị thoái hóa, không còn đạt chất lượng về bột và củ nên ảnh hưởng đến chất lượng của miến.

Chương trình hỗ trợ người dân vay vốn để đầu tư thiết bị máy móc hiện đại còn hạn chế; sản xuất miến phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, nếu nắng ấm sản xuất đều, còn thời tiết mưa nhiều thì sản lượng và chất lượng sản phẩm bị giảm vì sẽ bị ẩm, mốc, không giữ được đặc trưng giòn, dai của sợi miến...

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bà con xã Bình Lư sáng tạo ra miến dong đậu xanh, đậu đen. Sản phẩm miến mới này đang được khách hàng cả nước ưa chuộng, bởi khi nấu chín sợi miến mềm hơn và có mùi thơm của đỗ, khác với loại miến thông thường trước đó. Đây là cơ hội để địa phương xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm miến dong Bình Lư.

Thời gian tới, xã Bình Lư tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi một số diện tích trồng lúa năng xuất thấp sang trồng dong để đảm bảo nguồn nguyên liệu; phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy trình cấp mã vạch cho sản phẩm; chỉ đạo nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, cam kết sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đồng thời, lồng ghép, vận dụng các chính sách hỗ trợ cho các hộ sản xuất miến như: vay vốn từ Ngân hàng Chính sách để người dân có nguồn vốn tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích, mua sắm máy móc; phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường quảng bá sản phẩm nhằm mở rộng thị trường…

Ngành nông nghiệp huyện Tam Đường tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Lai Châu nghiên cứu các giống dong có chất lượng bột cao phục vụ nguyên liệu làm miến; hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong trồng cây dong riềng và sản xuất miến, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Hướng tới xây dựng miến dong là một trong những sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện Tam Đường nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung.

Việt Hoàng - Đinh Thùy (TTXVN)
Nâng tầm sản phẩm OCOP ở quy mô quốc gia và quốc tế
Nâng tầm sản phẩm OCOP ở quy mô quốc gia và quốc tế

Chiều 12/6, tại Hội nghị triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nam Định năm 2020, Phó Chủ tỉnh UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan yêu cầu các địa phương cần nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP gắn với đặc thù của vùng, miền, hướng tới nâng tầm sản phẩm ở quy mô quốc gia, quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN