Sản phẩm OCOP tạo sức bật cho du lịch phát triển

Với quyết tâm đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao theo đúng lộ trình kế hoạch, nhiều xã vùng cao của huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đang nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) theo chỉ tiêu 10.2 của tiêu chí 10 về “Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập” cho người dân, đồng thời biến các sản phẩm OCOP  trở thành lợi thế thu hút khách du lịch.

Chú thích ảnh
Xã Bản Liền hiện có hơn 500 ha chè Shan, trong đó có trên 400 ha được công nhận chè hữu cơ. Nhờ có thị trường xuất khẩu ổn định, mỗi năm Hợp tác xã Chè Bản Liền thu mua khoảng 400 tấn chè búp tươi. Ảnh: Lê Sơn/Báo Tin tức

Sản phẩm OCOP vươn ra thế giới

Trong câu chuyện về phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện Bắc Hà, bà Chu Thị Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà tự hào kể cho chúng tôi nghe về sản phẩm chè Bản Liền. Bởi, đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của địa phương tìm được chỗ đứng ở Mỹ và châu Âu.

Cách trung tâm huyện Bắc Hà gần 30 km, xã Bản Liền như là một thung lũng được bao bọc xung quanh bởi núi non trùng điệp nên có khí hậu mát mẻ, thiên nhiên ưu đãi với cảnh sắc phong thủy hữu tình. Đặc biệt thổ nhưỡng ở nơi đây rất thích hợp để trồng chè. Những người già nhất ở bản Liền cũng không nhớ nổi đồi chè cổ thụ có từ bao giờ. Chỉ biết khi lớn lên đã thấy những cây chè Shan tuyết cao quá đầu người, trải qua bao mùa mưa nắng vẫn hiên ngang, sừng sững giữa núi đồi; bền bỉ và kiên trì bám đất như chính sức sống của cộng đồng người Tày cư ngụ bao đời nơi đây.

Bà Hoàng Thị Cảnh, thôn đội 3, xã Bản Liền cho biết, trước đây, người Tày ở bản này chưa biết quý cây chè, cứ để mặc cây tự lớn với nắng mưa, sương gió. Ngày đó, bán cũng được ít lắm, chủ yếu là hái về rồi sao lên để gia đình uống. Nhưng bây giờ thì khác, nhà nào có chè cũng học cách chăm sóc cây và thu hái đúng mùa vụ theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và hợp tác xã. Nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ cây chè. Với đồng bào Tày ở đây, cây chè đã trở thành linh hồn của bản, đem lại no ấm cho người dân.

Xác định chè là cây có giá trị hàng hóa, có triển vọng nâng cao thu nhập cho người dân, nên năm 2004, huyện Bắc Hà đã thành lập Hợp tác xã Chè Bản Liền đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè cho người dân trên địa bàn. Khi hợp tác xã được thành lập, người dân đã thay đổi nhận thức và quan tâm phát triển cây chè. Từ hơn 100 thành viên ban đầu, đến nay xã đã có hơn 300 hộ liên kết trồng chè và bán chè búp tươi cho Hợp tác xã Chè Bản Liền. Điểm đặc biệt của chè Bản Liền là người dân tham gia hợp tác xã phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chăm sóc, thu hái, vận hành dây chuyền chế biến và phân loại chè thành phẩm. Chè được trồng hoàn toàn tự nhiên nên trung bình mỗi tháng người dân chỉ thu hái một lần. Lao động trong xưởng chế biến có giày dép và trang phục bảo hộ riêng. 

"Chúng tôi phải tuân thủ đầy đủ 25 tiêu chuẩn ngặt nghèo do các tổ chức quốc tế quy định. Về cơ bản, sản phẩm chè Bản Liền được canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Hợp tác xã cấp giấy chứng nhận cho 310 hộ tham gia sản xuất chè. Mỗi hộ trồng chè đều có mã số, sổ sách ghi chép và chúng tôi kiểm tra ngẫu nhiên hằng năm, lấy mẫu đất của đồi chè bất kỳ để làm các xét nghiệm. Nếu hộ nào vi phạm sẽ tước giấy chứng nhận, không thu mua chè búp tươi”, ông Phạm Quang Thận, Giám đốc Hợp tác xã Chè Bản Liền chia sẻ.

Nhờ đó, sản phẩm chè Bản Liền đã đạt Chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu; tiêu chuẩn Canada và Mỹ; Chứng nhận Fairtrade Certificate - Ban Lien Organic Tea Cooperative (Chè hữu cơ thương mại bình đẳng)... Đây là những tấm “visa” đưa sản phẩm chè  Bản Liền thâm nhập thị trường Mỹ và châu Âu, là sự nỗ lực của chính quyền, người dân, doanh nghiệp và hợp tác xã. Sản phẩm chè Shan hữu cơ Bản Liền cũng là sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 5 sao duy nhất của Lào Cai.

Nhờ có thị trường xuất khẩu ổn định, mỗi năm Hợp tác xã Chè Bản Liền thu mua khoảng 400 tấn chè búp tươi. Sau đó, chế biến thành các sản phẩm: hồng trà, trà sấy, trà đen, trà trắng, trà bánh… xuất khoảng 100 tấn khô sang 10 nước ở châu Âu, châu Mỹ…“Theo tôi được biết, hiện duy nhất sản phẩm trà bánh của Bản Liền có thể xuất khẩu sang châu Âu để sử dụng trong ngành thực phẩm, mỹ phẩm” - ông Thận cho biết thêm. Cung không đủ cầu, do đó, kể cả trong thời điểm nhiều ngành nghề lao động của cả nước lao đao vì dịch COVID-19, HTX chè Bản Liền hầu như không bị ảnh hưởng hề hấn gì.

Chia sẻ về lợi ích của việc trồng chè hữu cơ xuất khẩu, ông Vàng A Sự, Phó chủ tịch UBND xã Bản Liền cho hay, nhờ trồng chè, nhiều hộ trong xã có thu nhập cao, từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cá biệt như hộ anh Vàng A Dự, thôn Đội 4, mỗi năm thu hái khoảng 16 tấn chè búp tươi, thu nhập hơn 250 triệu đồng. Ước tính, người dân trong xã thu khoảng 16 tỷ đồng từ bán chè búp tươi.

Điểm nhấn cho du lịch

Du lịch Lào Cai nói chung và Bắc Hà nói riêng có nhiều tiềm năng để “đánh thức” và nâng cấp thành sản phẩm OCOP. Ngành “công nghiệp không khói” này đã và đang được các địa phương quan tâm, có nhiều chính sách khuyến khích phát triển và có định hướng lâu dài. 

Huyện Bắc Hà có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ, bản sắc văn hóa đặc trưng, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc hữu,.... Đây là tiềm năng, lợi thế lớn để huyện phát triển các sản phẩm OCOP nhằm thu hút khách du lịch. 

Thời gian tới, địa phương này sẽ tập trung triển khai hiệu quả Dự án Làng văn hóa du lịch cộng thôn Na Lo, xã Tà Chải. Đây là một trong 10 thôn điểm của cả nước được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn triển khai trong Chương trình OCOP.

Đồng thời, Bắc Hà sẽ đầu tư hình thành rõ nét các vùng chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng (vùng cây ăn quả ôn đới, dược liệu, chè hữu cơ, sản xuất ứng dụng công nghệ cao,...), xây dựng các tuyến du lịch cộng đồng, du lịch làng bản kết nối với các vùng sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực là người địa phương về kiến thức và kỹ năng du lịch nông nghiệp tham gia liên kết các tour du lịch. Việc quan tâm, đầu tư và tham gia “sân chơi” OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch các địa phương, nâng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững.

Cũng theo bà Chu Thị Dương, huyện Bắc Hà xác định Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng cho tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, để phát triển các sản phẩm OCOP một cách bền vững, phát huy thương hiệu và thế mạnh của sản phẩm này, huyện Bắc Hà đã và đang tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền làm thay đổi nhận thức cho người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của Chương trình OCOP. Từ đó, kích thích tiêu thụ sản phẩm tham gia chương trình, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của từng xã.

Giai đoạn đến 2030, địa phương này đã định hướng hoàn thiện, nâng cấp 27 sản phẩm; phát triển mới 22 sản phẩm theo lợi thế của từng địa phương; đồng thời, xác định các sản phẩm không chỉ sản xuất ở 01 xã, 01 doanh nghiệp mà phải nhân rộng, tạo sản phẩm đa dạng, khối lượng lớn, chất lượng cao nhằm tạo động lực thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế xã hội của xã...

Hương Thu (TTXVN)
Tiên Phước – Tiên phong trong Chương trình OCOP Quảng Nam
Tiên Phước – Tiên phong trong Chương trình OCOP Quảng Nam

Ngày làm việc đầu tiên của năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ký Quyết định số 14-/QĐ - UBND phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2019, thuộc Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN