Tiên Phước – Tiên phong trong Chương trình OCOP Quảng Nam

Ngày làm việc đầu tiên của năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ký Quyết định số 14-/QĐ - UBND phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2019, thuộc Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2020.

Chú thích ảnh
Các sản phẩm OCOP Tiên Phước đang được bày bán rộng rãi trên thị trường.

Theo quyết định này, toàn tỉnh có 12 sản phẩm của 10 chủ thể được công nhận hạng 4 sao. Trong đó, riêng huyện Tiên Phước, với 16 sản phẩm được chọn tham gia chương trình năm 2019, có đến 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm hạng 4 sao gồm: Bánh tráng lề Địch Yên (Tổ hợp tác sản xuất bánh tráng Địch Yên), Vòng đeo tay từ Trầm hương (HTX Trầm hương Tiên Phước), Dầu mè đen dinh dưỡng và Dầu phộng nguyên chất (Cơ sở Nguyễn Thanh Toàn), 9 sản phẩm 3 sao, 3 sản phẩm còn lại được gửi mẫu kiểm định để công nhận đợt 2.

Trước đó, vào năm 2018, trong lần đánh giá đầu tiên, huyện Tiên Phước đã có 4 sản phẩm được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng 4 sao gồm: Tiêu Tiên Phước của Công ty TNHH Sơn Tiến, Rượu Lòn bon Tiên Phước của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Nhật Linh, sản phẩm Tinh dầu Quế và Tinh dầu Sả  của Hợp tác xã Nông dược xanh Tiên Phước.

Như vậy, tính đến nay huyện Tiên Phước đã có 17 sản phẩm được UBND tỉnh đánh giá xếp hạng, trong đó 8 sản phẩm được công nhận sản phẩm đạt hạng 4 sao và 9 sản phẩm được công nhận sản phẩm đạt hạng 3 sao, trở thành địa phương dẫn đầu tỉnh Quảng Nam về sản phẩm OCOP được xếp thứ hạng cao.

Việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP không những ghi nhận nỗ lực của Tiên Phước trong việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, khẳng định được thương hiệu của từng sản phẩm mà còn khuyến khích, tạo động lực cho các tổ chức kinh tế, cá nhân khắc phục những hạn chế, tiếp tục nâng cao chất lượng và hoàn thiện sản phẩm, hướng đến sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, ông Phùng Văn Huy, cho biết: Nhằm cụ thể hóa Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (Chương trình OCOP), huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) đã chọn sản phẩm tiêu Tiên Phước là một trong 3 sản phẩm tiêu biểu để đăng ký công bố chất lượng, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ theo hướng gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.    

Tiêu Tiên Phước với nhiều ưu điểm vượt trội đã sớm trở thành một trong những sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao của tỉnh Quảng Nam. Xác định cây tiêu là thế mạnh, người dân huyện Tiên Phước đã trồng mới và phục hồi được hơn 100 ha tiêu, nâng tổng diện tích tiêu toàn huyện lên hơn 145 ha; trong đó, có trên 55 ha đang cho thu hoạch, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 44 tấn tiêu khô. Tính theo thời giá hiện tại từ 650.000 đồng - 700.000 đồng/kg, mỗi năm cây tiêu Tiên Phước mang lại nguồn thu từ 28 tỷ đến trên 30 tỷ đồng.

Tiêu Tiên Phước có hương vị rất riêng, tỉ lệ tạp chất và hạt lép rất thấp nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Nhờ đó, giá tiêu Tiên Phước luôn rất cao và ổn định, dao động từ 650.000 đồng đến 700.000 đồng/kg, cao gấp từ 5 - 7 lần so với tiêu khác. Hiện tại cây tiêu đang được huyện Tiên Phước đầu tư phát triển theo mô hình liên kết chuỗi, liên kết vùng để vừa đảm bảo có đầu ra cho sản phẩm ổn định.

Để tiêu Tiên Phước trở thành sản phẩm chủ lực của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm và tiên phong trong việc liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm, huyện Tiên Phước thường xuyên vận động người dân tuân thủ chặt chẽ quy trình từ khâu lựa chọn tiêu giống đến quá trình trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm đều không được pha trộn với các loại tiêu khác làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Huyện có nhiều cơ chế để hỗ trợ cho các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ về kỹ thuật lẫn kinh phí để mua sắm các dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chú thích ảnh

Qua khảo sát, đánh giá, toàn huyện có 50 sản phẩm, thuộc 4 nhóm gồm: nhóm thực phẩm có 14 sản phẩm, nhóm đồ uống có 4 sản phẩm, nhóm thảo dược có 5 sản phẩm, nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 9 sản phẩm. Trước mắt, có 3 sản phẩm được đăng ký công bố chất lượng, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ gồm tiêu Tiên Phước, trầm hương Tiên Phước, lòn bon Tiên Phước. Đây cũng chính là 3 sản phẩm đầu tiên của huyện Tiên Phước tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020. Cây tiêu được sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi, liên kết vùng để vừa đảm bảo có đầu ra sản phẩm ổn định, tăng chuỗi giá trị sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa, vừa quản lý được chất lượng sản phẩm.

“Để làm được điều này, bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí cho Hợp tác xã Nhật Linh và Công ty sản xuất Tiêu Sơn Tiến đầu tư dây chuyền công nghệ, bao bì, nhãn mác, đóng gói nhằm kiểm soát được chất lượng tiêu Tiên Phước, chúng tôi còn bao tiêu toàn bộ sản phẩm hạt tiêu cũng như giám sát quá trình trồng, chăm sóc cây tiêu của người dân trong huyện”, ông Phùng Văn Huy cho biết.

Chương trình OCOP ở Tiên Phước bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực. Từ chương trình này, số hợp tác xã tăng nhanh, đặc biệt là hợp tác xã sản xuất ở nông thôn, các phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh.

Chị Nguyễn Thị Tố Nga, Chủ cơ sở sản xuất Sống sạch, xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước, là một người con của mảnh đất Tiên Phước đang thành công với ý tưởng khởi nghiệp từ những sản phẩm nông nghiệp sạch. Hiện tại sở sở sản xuất của chị Nga tập trung cho 3 dòng sản phẩm chính gồm dầu phụng, dầu mè và mật ong rừng, cung cấp cho người tiêu dùng và các hệ thống siêu thị cả nước. Chị Nga cho biết: Thông qua chương trình OCOP, các sản phẩm của cơ sở sản xuất Sống sạch ngày càng hoàn thiện hơn về chất lượng cũng như bao bì mẫu mã. Chương trình OCOP còn hỗ trọ cho doanh nghiệp về kỹ thuật cũng như kiến thức bán hàng, kiến thức quản lý doanh nghiệp, tạo điều kiejn cho sản phẩm tiêu thụ rộng rãi trong thị trường cả nước.

Tận dụng những thế mạnh từ thổ nhưỡng, khôi phục các cây dược liệu sẵn có ở địa phương cùng với những nỗ lực không ngừng nghỉ để tiếp cận khoa học công nghệ, HTX Nông dược xanh Tiên Phước, xã Tiên Hà đã mạnh dạn đầu tư để cho ra thị trường những sản phẩm tinh dầu quế, tinh dầu sả ngày càng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Theo đại diện của HTX, ban đầu đơn vị chỉ sản xuất tinh dầu, nhưng do xu hướng phát triển chung nên HTX đã cho ra đời nhiều loại sản phẩm đa dạng như: tinh dầu bưởi, tinh dầu nghệ và các sản phẩm từ quế, sả, bưởi, nghệ như: Nước lau sàn quế, nước lau sàn sả; dầu gội thảo mộc; bình xịt phòng hương quế, hương sả.

Ông Võ Duy Ân (HTX Nông dược xanh Tiên Phước, Quảng Nam khẳng định: HTX Nông dược xanh Tiên Phước được hình thành và đi vào hoạt động đã nhận được sự hỗ trợ đắc lực của Chương trình OCOP về kỹ thuật, tài chính và tiếp cận thị trường, để từ đó sản phẩm của chúng tôi tự tin hơn khi đưa ra thị trường trong và ngoài tỉnh.Hiện tại sản phẩm của chúng tôi đã có mặt trên thị trường cả nước và được người tiêu dùng tin tưởng cao.

Chú thích ảnh

Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Hường Văn Minh chia sẻ: "Chương trình mỗi xã một sản phẩm là động lực cho huyện Tiên Phước và chúng tôi xác định ngay đây là nền tảng của quá trình xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi đang xây dựng Tiên Phước thành vùng đặc trưng của trung du xứ Quảng, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái, do đó sản phẩm OCOP phải là nòng cốt để xây dựng nét đặc trưng riêng vốn có của vùng quê Tiên Phước. Mặt khác, chúng tôi xác định, Chương trình OCOP là một hướng đi tất yếu, nhằm phát triển các sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế để góp phần phát triển kinh tế. Để làm được điều này, huyện Tiên Phước đã và đang triển khai nhiều phần việc của Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” nhằm tạo bước đột phá cho nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân".

Trong những năm tới, khi triển khai Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng, Tiên Phước sẽ lồng ghép với việc chọn các sản phẩm có ưu thế vượt trội để tập trung phát triển thành sản phẩm OCOP nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chuỗi sản phẩm OCOP, phát triển mạnh các vùng nguyên liệu phục vụ chương trình OCOP, giảm chi phí sản xuất, tạo tiền đề để phát triển các sản phẩm khác đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.

Bài và ảnh: Quốc Quân
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN