Nâng tầm sản phẩm OCOP ở quy mô quốc gia và quốc tế

Chiều 12/6, tại Hội nghị triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nam Định năm 2020, Phó Chủ tỉnh UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan yêu cầu các địa phương cần nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP gắn với đặc thù của vùng, miền, hướng tới nâng tầm sản phẩm ở quy mô quốc gia, quốc tế.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan trao chứng nhận sản phẩm OCOP cho đại diện các cơ sở sản xuất. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, hiện số lượng sản phẩm OCOP còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và không đồng đều giữa các địa phương. Các sản phẩm chủ yếu tập trung ở huyện Hải Hậu và thành phố Nam Định. Việc phát triển sản phẩm OCOP từ những ý tưởng mới còn hạn chế. Việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm ở một số huyện chưa thực sự hiệu quả nên chưa có sản phẩm hoặc rất ít sản phẩm OCOP. Sự cải tiến, nâng cấp sản phẩm OCOP sau khi được công nhận chưa rõ nét, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng còn hạn chế...

Với mục tiêu hết năm 2020, tỉnh Nam Định có trên 100 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đề nghị, các địa phương, ban ngành có liên quan đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền các nội dung của Chương trình OCOP đến các tổ chức kinh tế, các tầng lớp nhân dân; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn khuyến khích phong trào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực, lành nghề và đặc sản truyền thống của địa phương gắn với phát triển bền vững Chương trình OCOP.

Các địa phương đẩy mạnh rà soát, hướng dẫn các cơ sở sản xuất lựa chọn sản phẩm thế mạnh, chủ lực tại địa phương và hỗ trợ đăng ký sản phẩm tham gia chương trình này. Đối với các sản phẩm đã được công nhận OCOP cần cải tiến, hoàn thiện quy trình sản xuất; tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, thiết lập mã QRcode, đăng ký sở hữu trí tuệ, nỗ lực phát triển sản phẩm đạt các tiêu chí cao hơn...

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, toàn tỉnh có 62 sản phẩm của 29 cơ sở sản xuất được công nhận sản phẩm OCOP; trong đó, 18 sản phẩm đạt 4 sao, 44 sản phẩm đạt 3 sao. Hiện Nam Định đang hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện, nâng cấp trên 80 sản phẩm tại 80 cơ sở sản xuất đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2020.

Qua khảo sát, có khoảng 40 sản phẩm cơ bản đáp ứng điều kiện để hoàn thiện sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Các sản phẩm còn lại tiếp tục cải tiến, nâng cấp theo các tiêu chí OCOP như: cải tiến mẫu bao bì sản phẩm, nhãn hàng hóa, quản lý kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Tin, ảnh: Nguyễn Lành (TTXVN)
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ

Tại đề án “Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên, giai đoạn 2017- 2020”, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đạt chất lượng an toàn sản phẩm cho 100% diện tích chè trong quy hoạch sản xuất theo hướng VietGAP, sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN