Kiểm soát rau an toàn: Bài cuối: Tìm “chỗ đứng” cho rau an toàn là cách kiểm soát tối ưu

Xung quanh vấn đề còn nhiều khoảng trống trong kiểm soát chất lượng đối với ngành hàng rau, phóng viên Tin Tức có cuộc trao đổi với ông Phạm Đồng Quảng (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- NN&PTNT).

 

Ông Quảng cho biết, hiện nay, có đến 95% lượng rau sản xuất ra được tiêu thụ trong nước. Việc tìm chỗ đứng cho rau an toàn chính là cách làm hữu hiệu để từng bước khuyến khích nông dân tham gia phong trào sản xuất rau an toàn theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, giải quyết được gốc rễ vấn đề kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rau.

 

Thưa ông, biện pháp nào là tốt nhất để bảo đảm được chất lượng rau đến với người tiêu dùng được an toàn?


Luật An toàn thực phẩm đã quy định tất cả các sản phẩm sản xuất ra đưa vào thị trường phải bảo đảm an toàn. Bình thường, phải kiểm tra từng mớ rau, lô hàng để phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các hóa chất độc hại khác. Nếu kết quả không vượt ngưỡng giới hạn cho phép theo quy định thì rau đó là rau an toàn.


Tuy nhiên, nếu lô rau nào cũng phân tích như thế là không khả thi. Làm thế rất khó, vì chi phí quá lớn, hơn nữa rau là hàng tươi sống đòi hỏi tiêu thụ trong khoảng thời gian ngắn.


Vì thế, chúng ta mới xây dựng thành quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất và đối với sản phẩm rau, xây dựng tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt của Việt Nam (VietGAP), và cao hơn là xây dựng các tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ (rau hữu cơ). Chúng bao gồm các tiêu chí cụ thể nếu người sản xuất áp dụng thì sẽ sản xuất ra sản phẩm là rau an toàn với mức độ khác nhau, theo đó rau an toàn phù hợp quy chuẩn kỹ thuật là mức độ tối thiểu theo Luật An toàn thực phẩm.


Như vậy, lời giải cho việc kiểm soát an toàn thực phẩm đối với rau tốt nhất là người nông dân sản xuất theo hướng Thực hành nông nghiệp tốt, thưa ông?


Thực hành nông nghiệp tốt thực chất là những hành động đúng mà nông dân phải làm. Bản chất của các quy chuẩn kỹ thuật, của VietGAP hay tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ là đưa ra những điều kiện sản xuất, sơ chế nông dân phải tuân theo. Nếu việc sản xuất phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, VietGAP và của nông nghiệp hữu cơ thì những sản phẩm đó được coi là sản phẩm an toàn.


Việc nông dân thuê một tổ chức chứng nhận độc lập (bên thứ 3) hay tự đánh giá, chứng nhận theo kiểu cộng đồng cùng tham gia thì do họ quyết định trên cơ sở yêu cầu thị trường và khách hàng. Luật cho phép cả hai phương thức chứng nhận (tự đánh giá và thuê đơn vị đánh giá độc lập). Tuy nhiên, cần hiểu rằng việc chứng nhận không phải là điều quan trọng nhất. Mà quan trọng nhất là trách nhiệm, ý thức thực hiện của nông dân từ trong quá trình sản xuất. Việc kiểm tra, chứng nhận chỉ là để tăng uy tín và lòng tin từ người tiêu dùng.


Theo cách thức đó, sẽ có 3 cấp độ về an toàn mà người sản xuất có thể lựa chọn tuân theo. Việc lựa chọn hình thức nào hoàn toàn do người sản xuất và người bán hàng quyết định xuất phát từ yêu cầu của thị trường. Đương nhiên giá của các sản phẩm đó cũng sẽ khác nhau, để người tiêu dùng lựa chọn trên thị trường.


Nhưng thực tế là rau an toàn đang gặp khó đầu ra. Tìm được chỗ đứng cho rau an toàn chính là một biện pháp để mở rộng sản xuất theo Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Cách nào để hóa giải vấn đề này thưa ông?


Đúng, thực tế là người sản xuất và người tiêu dùng đang chưa “gặp nhau”. Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận một trong những hạn chế nhất hiện nay của sản xuất theo hướng VietGAP là khâu tiêu thụ. Nếu không gỡ được “nút thắt” này thì những nỗ lực từ trước đến nay ở khâu sản xuất cũng sẽ thất bại.


Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT chỉ đạo việc sản xuất an toàn gắn liền với thị trường. Nhưng muốn làm được điều này, đòi hỏi người sản xuất phải kiên trì xác định rõ sản xuất sản phẩm an toàn là nghĩa vụ. Đồng thời, người sản xuất phải chủ động liên kết lại với nhau nhằm đa dạng sản phẩm để dễ tìm khách hàng. Nếu chỉ làm manh mún thì rất khó tiêu thụ. Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động hợp tác với nông dân trong khâu sản xuất, phải khảo sát, ký hợp đồng và tất nhiên phải đầu tư cơ sở vật chất để bán hàng, bảo quản sản phẩm trong môi trường an toàn. Hiện nay đã có doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, trên thị trường đã xuất hiện một số cửa hàng bán lẻ rau, quả an toàn, có nguồn gốc, được người tiêu dùng chấp nhận.


Về phía Nhà nước, cần chủ động tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nông dân gặp nhau, khâu nối để hai bên hài hòa lợi ích với nhau, ban hành chính sách hỗ trợ cho nông dân, cho doanh nghiệp, vay vốn, tín dụng thuận lợi để doanh nghiệp tiêu thụ thực phẩm, có điều kiện đầu tư cho nông dân. Nhà nước phải chỉ cho người tiêu dùng chỗ nào bán rau an toàn; người sản xuất tự công bố sản phẩm của mình làm ra là an toàn thì Sở NN&PTNT có trách nhiệm công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thậm chí, nơi nào làm không tốt cũng phải công khai.


Đây là vấn đề khó nhưng không thể không làm. Làm được như vậy mới tạo nên một thị trường tiêu thụ những sản phẩm an toàn thực chất, từ đó mới có được niềm tin từ người tiêu dùng, dần dần mới át được thị trường làm ăn không minh bạch hiện nay.


Chính phủ đã ban hành Quyết định 01/2012/QĐ- TTg về chính sách hỗ trợ áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt. Cũng đã có 17 tỉnh, thành đã ban hành chính sách với những mức độ hỗ trợ khác nhau, tùy vào khả năng đầu tư từng tỉnh, tuy nhiên đa số mới hỗ trợ cho mô hình chứ chưa làm đại trà.

Để đẩy mạnh phong trào thực hành nông nghiệp tốt, được biết hiện nay Bộ NN&PTNT đang xây dựng thông tư để cụ thể hóa Quyết định số 01/2012/QĐ- TTg của Thủ tướng về một số chính sách hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Cụ thể vấn đề này thế nào thưa ông?


Muốn sản xuất an toàn, giai đoạn đầu phải đầu tư chi phí lớn. Bên cạnh nỗ lực của người sản xuất, Nhà nước phải đầu tư hỗ trợ.


Bộ NN&PTNT và các Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính đang xây dựng các thông tư hướng dẫn Quyết định 01. Những thông tư này sẽ cụ thể hóa những chính sách mà trong quyết định đã nêu. Đó là: Hỗ trợ xây dựng hạ tầng các vùng sản xuất an toàn, giao thông, thủy lợi nội đồng, hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho nông dân; hỗ trợ cho việc áp dụng các giống mới kháng bệnh, phân bón mới, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, thuốc bảo vệ sinh học… Tóm lại là hỗ trợ nông dân ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới để có những sản phẩm an toàn; hỗ trợ chi phí cho việc chứng nhận sản phẩm an toàn.


Trân trọng cảm ơn ông!


Mạnh Minh (thực hiện)

Kiểm soát an toàn rau-Bài 2: Khó kiểm soát chất lượng rau
Kiểm soát an toàn rau-Bài 2: Khó kiểm soát chất lượng rau

Dù là mặt hàng thực phẩm chủ yếu, song việc kiểm soát chất lượng rau vẫn là vấn đề phải bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN