Rau là mặt hàng thực phẩm thiết yếu nhưng hiện nay vẫn sản xuất theo quy mô nhỏ. Nhiều nông dân vì lợi nhuận hoặc vì nhận thức chưa đầy đủ, thiếu quan tâm đến quy trình sản xuất đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, sự hạn chế của công tác giám sát chất lượng rau đang là một thực tế hiện nay. Mở rộng diện tích trồng rau theo hướng sản xuất an toàn được xem là một cách làm có thể giúp cơ quan quản lý tốt hơn về giám sát chất lượng của mặt hàng này.
Bài 1: Kinh hãi với “công nghệ” trồng rau
Việc nhiều nông dân coi nhẹ quy trình bảo đảm an toàn trong sản xuất rau là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng của mặt hàng này không được đảm bảo.
Xanh mượt nhờ nước thải siêu bẩn
Tháng 6/2012, hai sào ruộng chuyên trồng mồng tơi của ông Đỗ Văn K., xóm 7A, thôn Yên Ngưu, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội, đang vào độ thu hoạch. Từng luống rau xanh mướt, lá mỡ màng trông rất bắt mắt. Chủ ruộng rau cho biết: Những tháng hè, rau mùng tơi bán tại ruộng có thể được 3.500 đồng/bó (3 lạng). Trồng rau mùng tơi 1 tháng, gia đình ông có thể thu hoạch được 7 - 8 triệu đồng/vụ (vụ thu hoạch kéo dài khoảng 20 ngày, ngày nào cũng có rau để cắt bán).
“Chúng tôi không hề phun thuốc gì cho rau, chỉ tưới sương bằng nước sông một ngày 2 lần cho lá không bị bã chè (tức là lá bị đốm)”, ông K. nói.
Những luống rau xanh của nhà ông K. cũng như nhiều hộ nông dân trồng rau thôn Yên Ngưu, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đang được tưới bón bằng thứ nước thải đô thị siêu bẩn của sông Tô Lịch. |
Từ tháng 1 đến tháng 9, hàng năm nhà ông K. trồng rau mùng tơi. Từ tháng 3 đến tháng 8 thì vừa trồng mùng tơi, vừa trồng rau bí, tháng 9 đến tháng 1 của năm sau thì trồng cải chíp, cải cúc để bán phục vụ thị trường dịp Tết. Nhìn những luống rau xanh, không ít người trầm trồ. Ông K. “bật mí”: Các ruộng rau trồng ngay mép sông Tô Lịch. Từ bao đời nay, nguồn nước này đã mang đủ “chất dinh dưỡng” để nuôi rau.
Vừa lý giải, ông K. vừa chỉ ngay cạnh những ruộng rau xanh óng dưới ánh nắng hè là dòng nước sông Tô Lịch đen kịt lờ đờ chảy.
“Trong làng tôi, có nhà máy phân lân NPK nghe đồn là hoạt động từ trước năm 1945 đến nay, hình như họ sử dụng lò công suất 5 vạn tấn/ngày. Một ngày, nhà máy phân lân này thải ra không biết bao nhiêu là mét khối nước thải vào sông Tô Lịch. Chúng tôi tưới rau bằng nước sông này luôn, chả phải bón phân mà rau vẫn xanh tốt”, ông K. nói.
Chợt nhớ, có một nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) công bố giữa năm 2011: Nước sông Tô Lịch về đến địa phận này là điểm cuối nhận nước thải của nhiều nhà máy nên ô nhiễm nặng. Việc sử dụng nước thải đô thị để tưới rau gây tích lũy kim loại nặng trong rau trồng. Chúng tôi băn khoăn hỏi: “Hiện nay người ta ngày càng quan tâm đến chất lượng an toàn thực phẩm, ông làm thế nào để “lo” việc chứng nhận cho sản phẩm rau của mình đảm bảo an toàn trước khi đưa đi tiêu thụ”? Ông Khoa không ngần ngại, đáp: “Trước nay chưa bao giờ chúng tôi lo đến chuyện đó. Cũng chả cần, vì các mối hàng chuyên nhập rau của nhà tôi chẳng bao giờ hỏi đến “giấy an toàn”. Thường thì đêm hôm trước người ta điện cho tôi bảo cần khoảng 200 - 300 mớ rau để sáng hôm sau đến lấy. Thế là khoảng 2 - 3 giờ đêm, chúng tôi ra ruộng cắt rau, bó và xếp vào thùng, khách chỉ việc chở đi tiêu thụ”.
Cách thôn Yên Ngưu, Tam Hiệp, Thanh Trì chưa đầy 2 cây số là thôn Bằng B, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, một nơi khá nổi tiếng về nghề trồng rau từ nhiều năm nay. Mặc dù cùng với quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp nhưng đến nay vẫn còn trên 300 hộ dân sống bằng nghề trồng rau. Có điều, mô hình trồng rau an toàn vẫn chưa “phủ sóng” đến nơi này. Bà Vũ Thị T., tổ trưởng tổ sản xuất của thôn Bằng B cho biết: Diện tích trồng rau của cả thôn là 193 sào. Hiện nay, chính quyền địa phương đã cấm người dân bơm nước sông Tô Lịch để tưới rau nên chỉ những hộ nào tiện có nước ao hồ, nước mương từ trong khu đô thị Linh Đàm chảy ra thì mới tiếp tục trồng”.
Thuốc vẫn phun nhưng... vẫn an toàn
Ông K. năm nay gần 50 tuổi và đã có trên 30 năm sống bằng nghề trồng rau. Với hai sào ruộng canh tác quanh năm, ông K. khẳng định nhà mình và các hộ dân canh tác những ruộng rau trong thôn Yên Ngưu không mấy khi phải dùng thuốc. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, đối với rau bí và rau cải của các mùa khác trong năm, vẫn phải phun thuốc để rau sạch sâu và lá có vẻ mỡ màng. “Cải chính vụ thì chỉ 22 ngày là thu hoạch. Việc phun thuốc chúng tôi làm từ khi cải mới được 1 tuần. Phun đúng 1 lần, chờ đến lúc thu hoạch thì thuốc sâu cũng đã phân hủy hết. Vì thế, mỗi vụ cải, hai sào rau của nhà tôi chỉ mất 50.000 đồng tiền thuốc sâu”, ông K. nói.
Chuyện phun thuốc cho rau cũng là thực tế tại thôn Bằng B. Tuy nhiên, bà tổ trưởng tổ sản xuất của thôn rất quả quyết về độ an toàn cho những mặt hàng rau thường xuyên phải phun thuốc. “Rau ngải cứu và diếp cá cũng phải phun thuốc. Rau làm ra chủ yếu phục vụ trong làng nên không có chuyện không an toàn. Người ta chỉ phun lúc rau còn bé để diệt rệp, muỗi. Rau trồng phải 20 - 30 ngày mới được một lứa, đến lúc đó cũng đã đảm bảo an toàn rồi, làm gì còn gì tồn dư nữa. Là mình suy luận ra thế, chứ không có cán bộ về kiểm tra, chứng nhận gì”.
Một số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội công bố mới đây cho thấy, nhu cầu rau xanh của khu vực nội thành hàng ngày là khoảng 1.500 tấn, nhu cầu này đặc biệt tăng cao trong những ngày cận và sau Tết Nguyên đán. Toàn thành phố có 13.000 ha rau nhưng chỉ mới có trên 3.000 ha rau an toàn. Sản lượng rau an toàn của thành phố mới chỉ đáp ứng được 14% nhu cầu của người dân. Từ những con số này, một câu hỏi đặt ra: Trong số 10.000 ha rau chưa được ghi nhận là sản xuất an toàn, có biết bao nhiêu diện tích trồng rau ở Hà Nội vẫn đang được “nuôi” bằng những “công nghệ” ủ nhiều mối nguy về an toàn thực phẩm như những “làng rau” mà chúng tôi vừa “tận mục sở thị”?
Bài và ảnh: Mạnh Minh
Bài 2: Khó kiểm soát chất lượng rau