Kiểm soát an toàn rau-Bài 2: Khó kiểm soát chất lượng rau

Dù là mặt hàng thực phẩm chủ yếu, song việc kiểm soát chất lượng rau vẫn là vấn đề phải bàn. Điểm khó trong kiểm soát an toàn đối với sản phẩm rau tồn tại lâu nay từ khâu sản xuất đến khâu lưu thông, thậm chí đến từ phía người tiêu dùng và tất nhiên là cả sự vào cuộc chưa đủ mạnh của các cơ quan quản lý.

 

“Hổng” ở cả 3 tác nhân


Việc quản lý chất lượng đối với ngành hàng rau ở Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Một nghiên cứu của nhóm tác giả Đinh Thế Anh, Nguyễn Thị Hà và Nguyễn Quý Bình công tác tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp - trực thuộc Viện Cây lương thực - thực phẩm (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho thấy, những khó khăn này đang hiện diện ở cả 3 tác nhân: tác nhân sản xuất (người trồng rau), tác nhân chế biến - lưu thông (người buôn bán) và tác nhân tiêu dùng.


 

Mua rau sạch tại các địa chỉ rõ nguồn gốc sẽ góp phần tẩy chay dần những sản phẩm rau kém chất lượng. Trong ảnh là gian hàng bán rau sạch trong siêu thị Big C (Hà Nội). Ảnh: Minh Hiếu

 

Trước hết, ở tác nhân sản xuất, cái khó chủ yếu tập trung ở quy mô trồng rau. “Quy mô sản xuất manh mún, nhỏ (trung bình chưa đến 1.000 m2/hộ) làm tăng chi phí và nhân lực thực hiện quản lý về chất lượng”, bà Nguyễn Thị Hà - thành viên nhóm nghiên cứu cho biết. Bên cạnh đó, cũng theo nhóm nghiên cứu, lực lượng lao động trồng rau hiện nay chủ yếu là lao động trình độ thấp hoặc có độ tuổi cao nên việc nắm bắt các yêu cầu về sản xuất theo quy trình an toàn gặp nhiều khó khăn.

 

Họ chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm, chạy theo lợi nhuận và chưa từng áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng. Mặt khác, rau có thời gian bảo quản ngắn và người tiêu dùng lại có nhu cầu dùng nhiều loại rau nên người sản xuất thường trồng nhiều loại rau nhằm giảm rủi ro. Điều này dẫn đến thực tế có thể có đến ba loại rau cùng trồng trên một mảnh ruộng và có khoảng 20 - 30 chủng loại rau trồng trên diện tích chưa đến 5 ha. Điều này khiến các hộ sản xuất quy mô nhỏ khó đáp ứng được yêu cầu về quản lý chất lượng hiện nay (không chỉ với rau sản xuất theo Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt - VietGAP mà cả với rau thông thường).


Nhóm nghiên cứu cũng phân tích, quá trình lưu thông cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ góp phần “dung dưỡng” cho rau không an toàn. Ví dụ như thiếu công cụ, kỹ năng để quản lý chất lượng và đáp ứng quy định của Nhà nước về vận chuyển, kinh doanh rau an toàn. Bên cạnh đó, đối tượng này cũng hạn chế đầu tư cho cơ sở thu mua, sơ chế, phương tiện vận chuyển và địa điểm bán hàng cố định đạt tiêu chuẩn quy định của Nhà nước. Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Trưởng ban Bảo vệ Người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương), “người tiêu dùng Việt Nam đang tiêu thụ rau chủ yếu tại các chợ dân sinh, đặc biệt là chợ cóc, chợ tạm mà việc quản lý chất lượng hàng hóa tại những nơi này rất khó”.


Đó là chưa kể đến tình trạng trà trộn sản phẩm rau an toàn và rau không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng trong quá trình lưu thông vẫn đang diễn ra khá phổ biến bởi thiếu nguồn cung cấp có khối lượng ổn định và chủng loại đa dạng.


Người tiêu dùng, nhân tố quyết định trong quá trình tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thì đang ở thế yếu bởi sự hạn chế về kiến thức, thông tin để tự bảo vệ mình. Một nghiên cứu của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cuối năm 2011 cho thấy có tới 90% dân số Hà Nội không phân biệt được rau an toàn với rau không an toàn. Chính vì thế, những sản phẩm kém chất lượng hoặc không bảo đảm chất lượng vẫn được người tiêu dùng mua, sử dụng, khiến rau nói riêng và các mặt hàng kém chất lượng khác vẫn còn “đất sống”.

 

Gánh nặng với công tác quản lý


Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực từ tháng 7/2011 đã phân trách nhiệm quản lý mặt hàng rau cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Chi cục bảo vệ thực vật trực thuộc bộ này được giao trách nhiệm giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo một cán bộ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 38/2012/NĐ - CP của Chính phủ đã lấp được phần nào khoảng trống trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm nói chung và với mặt hàng rau nói riêng.


Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hà (một thành viên của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp), việc nâng cao hiệu quả công tác tổ chức giám sát chất lượng rau an toàn hiện nay là một thách thức lớn với các cơ quan quản lý nhà nước. Bởi: Lực lượng cán bộ kiểm tra giám sát quá mỏng và thiếu các thiết bị đồng bộ để kiểm tra, đánh giá chất lượng. Hơn nữa, UBND cấp xã cũng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử phạt nhưng lại không có cán bộ chuyên trách. Do lực lượng cán bộ kiểm tra giám sát của Nhà nước mỏng, đặc biệt là ở cấp xã, trong khi sản xuất rau hiện nay có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, nên người sản xuất, các tác nhân lưu thông hầu như chưa phải chịu bất cứ áp lực nào để thực hiện đúng quy trình sản xuất an toàn.


Trong bối cảnh còn nhiều hạn chế về năng lực kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, trong đó có mặt hàng rau, theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cần thay đổi tư duy về phương thức kiểm soát chất lượng nông sản. Giải pháp tốt nhất hiện nay là xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trong đó, nhân tố người sản xuất trong chuỗi cung ứng này cần tham gia các quy trình thực hành nông nghiệp tốt.

Mạnh Minh

Bài 3: Tìm “chỗ đứng” cho rau an toàn là cách kiểm soát tối ưu

Kiểm soát an toàn rau- Kinh hãi với 'công nghệ' trồng rau
Kiểm soát an toàn rau- Kinh hãi với 'công nghệ' trồng rau

Rau là mặt hàng thực phẩm thiết yếu nhưng hiện nay vẫn sản xuất theo quy mô nhỏ. Nhiều nông dân vì lợi nhuận hoặc vì nhận thức chưa đầy đủ, thiếu quan tâm đến quy trình sản xuất đảm bảo an toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN