Khuyến khích mở rộng các giống lúa chịu mặn, phèn

Trước tình hình nước mặn xâm nhập ngày càng sâu, gây bất lợi cho sản xuất lúa, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã khuyến khích nông dân trong vùng mở rộng trồng các giống lúa chịu phèn, mặn, trong đó có giống OM 7262 do Viện lai tạo.


Đây là giống lúa thuần, được sản xuất thử thành công tại ĐBSCL, vùng Đông Nam Bộ và miền Trung từ năm 2010. Giống lúa này có đặc tính chịu phèn, mặn, năng suất cao ổn định, chất lượng gạo tốt, chống chịu sâu bệnh mạnh.


Giống lúa OM 7262 là giống đặc sản, ngắn ngày (khoảng 90 - 100 ngày), đẻ nhánh khá, cứng cây, năng suất từ 6 - 8 tấn/ha, tỷ lệ gạo nguyên liệu cao (79,1%), tỷ lệ gạo trắng đạt 68%, hàm lượng prôtêin khá cao, đạt chuẩn xuất khẩu.


Giống lúa OM7262 sinh trưởng tốt ở nhiều vùng đất khác nhau, đặc biệt vùng đất bị nhiễm phèn, mặn. Giống này còn có khả năng chống chịu bệnh đạo ôn và cháy bìa lá (cấp 3), phù hợp canh tác ở tất cả các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là Hậu Giang, An Giang và Cần Thơ.


Đến nay, Viện lúa ĐBSCL đã tuyển chọn được 17 giống lúa chịu mặn. Đó là các giống OM 2488, OM 2818, OM 6379, OM 6677, OM 6074, OM 4276, OM 6690, OM 5651, OM 6521, OM 5199 ĐB, OM 576, OM 2517, OM 5472, OM 6561, OM 2395, OM 5464 và OM 7262. Có 16 trong 17 giống nói trên đã được đưa vào sản xuất đại trà tại các tỉnh ven biển.


Các giống lúa trên có ưu điểm kháng sâu bệnh tốt, cho năng suất cao, ổn định từ 5 - 7 tấn/ha, phẩm chất gạo tốt, đạt chuẩn xuất khẩu và đang được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến khích sử dụng rộng rãi trong điều kiện nước mặn xâm nhập sâu và nước phèn vẫn gây khó khăn cho sản xuất, nhất là tại vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên.


Thế Đạt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN