Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon thông báo ông Kofi Annan đã quyết định rút khỏi cương vị đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập (AL), nhiệm vụ mà vị cựu Tổng Thư ký LHQ này nắm giữ từ ngày 23/2 nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria (Xyri) vào ngày 2/8.Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết ông "rất lấy làm tiếc" sau khi ông Annan nói rằng sẽ không tiếp tục khi sứ mệnh này kết thúc vào ngày 31/8 tới.
Ông Ban Ki-moon đang thảo luận với AL để chỉ định người thay thế ông Annan, người từng đưa ra kế hoạch hòa bình 6 điểm đối với vấn đề Syria song không được các bên tuân thủ.
Quyết định ra đi của nhân vật này diễn ra trong bối cảnh cuộc nội chiến ở Syria tiếp tục leo thang với những lo ngại đang ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát. Giao tranh quyết liệt vẫn tiếp diễn với điểm nóng lúc này là thành phố lớn thứ hai Aleppo.
Theo Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (trụ sở tại Anh), ngày 2/8, lực lượng chống đối đã pháo kích căn cứ không quân Menagh nằm cách Aleppo 30 km về phía tây bắc, nơi quân chính phủ sử dụng để tiến hành các đợt không kích. Đã có 43 người thiệt mạng vì bạo lực ở gần thủ đô Damascus.
Nhật báo thân chính phủ "Al-Watan" ngày 2/8 nói rằng các lực lượng an ninh Syria đang truy quét "các nhóm khủng bố" ở Damascus.
Ông Kofi Annan rút khỏi cương vị đặc phái viên hòa bình về Syria. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Trước đó, ngày 1/8, LHQ xác nhận rằng lực lượng chống đối đang cố lật đổ chế độ Tổng thống Bashar al-Assad giờ đây đã có cả các xe bọc thép hạng nặng, còn các quan sát viên quân sự của LHQ tại Syria đã chứng kiến quân chính phủ sử dụng máy bay chiến đấu tấn công quân chống đối ở Aleppo. Hãng tin Pháp AFP đưa tin lực lượng chống đối đã chiếm được một số xe tăng, trong khi một số đơn vị quân đội Syria đã đào ngũ mang theo cả các xe bọc thép.
Khó có bức tranh toàn cảnh về tình hình chiến sự tại Aleppo do thiếu các nguồn tin độc lập cũng như những hạn chế áp đặt với phóng viên nước ngoài. Dịch vụ Internet và điện thoại di động ở thành phố đóng vai trò trung tâm thương mại của Syria này đã bị cắt kể từ ngày 1/8 và theo một nguồn tin an ninh ở Damascus, đó thường là dấu hiệu báo trước một chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn.
Theo Tổ chức giám sát nhân quyền Syria, thương vong trên toàn quốc gia này trong ngày 1/8 là 163 người thiệt mạng với 98 dân thường, 20 phần tử chống đối và 45 binh sĩ. Tổ chức trên ước tính hơn 20.000 người đã thiệt mạng tại Syria kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng hồi giữa tháng 3 năm ngoái.
Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và Quốc vương Jordan (Gioócđani) Abdullah II ngày 2/8 đã tiến hành thảo luận về một cuộc chuyển giao chính trị ở Syria "thời hậu Assad". Hai bên nhất trí quốc tế cần gây sức ép mạnh mẽ nhằm khẳng định rõ ràng rằng "ông Assad phải ra đi và người dân Syria xứng đáng được quyết định tương lai của chính mình".
Cùng ngày, Jordan đã hối thúc cộng đồng quốc tế gánh vác trọng trách tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria cũng như tác động của nó tới các quốc gia láng giềng, trong khi Australia (Ôxtrâylia) hối thúc thế giới "không bàng quan" trước cuộc xung đột ở Syria, nơi hàng nghìn người đã thiệt mạng và nhiều người phải chạy sang các nước láng giềng lánh nạn.
Ngày 2/8, Nga tuyên bố nước này sẽ không ủng hộ bản dự thảo nghị quyết do Saudi Arabia (Arập Xêút) soạn thảo về Syria tại Đại hội đồng LHQ, đồng thời khẳng định bản nghị quyết trên là không cân bằng và sẽ không giúp chấm dứt tình trạng bạo lực tại quốc gia Trung Đông này.
Theo dự kiến, ngày 3/8 Đại hội đồng LHQ sẽ bỏ phiếu đối với dự thảo nghị quyết này của Saudi Arabia.
TTXVN/ Tin Tức