Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo Asia Bond Monitor, trong đó cảnh báo rằng mặc dù các thị trường trái phiếu đồng nội tệ của các nền kinh tế Đông Á đang nổi đã tăng lên gần 6.000 tỷ USD, nhưng các nhà hoạch định chính trong khu vực cần phải chuẩn bị tinh thần trước những cú sốc và biến động từ các thị trường tài chính toàn cầu. Giám đốc phụ trách hội nhập kinh tế khu vực của ADB, Iwan J. Azis, cho biết các thị trường trái phiếu đồng nội tệ của các nền kinh tế Đông Á đang nổi hiện đang là nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, song các nước trong khu vực không được phép tự mãn.
Khủng hoảng Eurozone đe dọa thị trường trái phiếu Đông Á. Ảnh: Internet
|
Theo ông Azis, các thị trường dễ đổ vỡ có thể ngăn cản đầu tư dài hạn và làm tổn thương nền kinh tế khi làm cho việc huy động vốn của các chính phủ và các hãng trở nên tốn kém hơn. Hơn nữa, phản ứng thị trường không chắc chắn với hành động chính sách đang làm giảm khả năng dự đoán cũng như hiệu quả của việc hoạch định chính sách thông thường.
Sự tham gia khu vực lớn hơn trên các thị trường trái phiếu của các nền kinh tế Đông Á đang nổi là cần thiết để đối phó với biến động từ những cú sốc bên ngoài và tăng cường mạng lưới an toàn tài chính khu vực.
Đánh giá hiệu suất các thị trường trái phiếu tiền tệ bản địa của Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines và Thái Lan, Asia Bond Monitor nhận xét tác động lan toả đáng kể của sự sụp đổ của Lehman Brothers và cuộc khủng hoảng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang diễn ra ở nhiều thị trường và còn tiếp tục. Những tác động này không những được cảm nhận thấy ở thị trường trái phiếu, mà cả trên các thị trường tài chính khác trong khu vực.
Asia Bond Monitor ghi nhận rằng bất chấp sự không chắc chắn và bất ổn trên các thị trường tài chính toàn cầu, các thị trường trái phiếu trong khu vực vẫn tiếp tục phát triển, với 5.900 tỷ USD giấy nợ vào cuối tháng 6/2012, tăng 1,9% so với cuối tháng 3/2012 và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2011.
Theo ADB, nhìn chung thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng vẫn nhanh hơn các thị trường trái phiếu chính phủ khi lãi suất trái phiếu doanh nghiệp đã giảm và tín dụng ngân hàng thắt chặt hơn đã khuyến khích các công ty khai thác các thị trường vốn.
Tính đến cuối tháng 6/2012 đã có 2.000 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, tăng 15,2% so với một năm trước đó, trong khi thị trường trái phiếu chính phủ là 3.900 tỷ USD, tăng 5,5%.
Lãi suất trái phiếu ở nhiều thị trường như Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam bắt đầu tăng lên vào tháng Bảy và tháng Tám sau khi đã giảm trong nửa đầu năm nay, cho thấy sự không chắc chắn đang phát triển trong nền kinh tế toàn cầu.
Các rủi ro thị trường đang gia tăng, bao gồm tâm lý nhà đầu tư ngày càng tồi tệ hơn khi triển vọng kinh tế toàn cầu ngày một ảm đạm, các dòng vốn không ổn định, và doanh số bán quá nhiều trái phiếu chính phủ để tài trợ cho các biện pháp kích thích kinh tế.
Asia Bond Monitor cho biết Trung Quốc tiếp tục là thị trường trái phiếu lớn nhất khu vực Đông Á đang nổi với 3.500 tỷ USD tính đến cuối tháng 6/2012, tăng 1,5% so với ba tháng trước đó và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tính theo quý, các thị trường phát triển nhanh nhất trong khu vực là Việt Nam, Thái Lan, và Indonesia, mở rộng với tốc độ tương ứng 10,5%, 4,1% và 3,6%.
Phát hành trái phiếu của khu vực Đông Á trong quý II năm nay đạt 875 tỷ USD, tăng 12% so với quý I, chủ yếu do phát hành trái phiếu chính phủ tăng. Trung Quốc đóng góp lớn nhất cho sự tăng trưởng này, và đã bán 200 tỷ USD trái phiếu kho bạc trong quý II, tăng 70,3% vo với quý I và tăng 27,0% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Tú