Là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho vay phát triển, nông nghiệp đang được hy vọng khởi sắc đem lại cuộc sống sung túc hơn cho nhà nông. Tuy nhiên, hành trình “chạm” đến nguồn vốn này vẫn còn lắm nhiêu khê với nhiều nông hộ.
Nhiều khó khăn
Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái… là khu vực nông nghiệp trọng điểm về xuất khẩu, an ninh lương thực của cả nước. Thế nhưng, tại đây nhà nông luôn phập phồng nỗi lo "được mùa mất giá, được giá mất mùa"… Nhu cầu vốn của nhà nông, doanh nghiệp nhằm chủ động được sản xuất, kinh doanh là rất lớn và bức xúc trong thời gian dài khi lượng vốn trung, dài hạn cho sản xuất vẫn còn thấp. “Lượng vốn huy động chỉ đáp ứng được khoảng 67% tổng nhu cầu vốn của toàn vùng. Trong khi đó việc tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng lại hết sức gian nan. Thường các ngân hàng đòi hỏi rất nhiều thủ tục về thế chấp tài sản, quy mô và tính hiệu quả của dự án làm ăn, lập hồ sơ…”, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết.
Còn tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ với thế mạnh về chăn nuôi gia súc, gia cầm… tình trạng ách tắc, thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất cũng không khá hơn. Từ đầu năm đến nay người nuôi heo, gà… đang như “ngồi trên lửa” vì không biết “đào” đâu ra vốn để tái đàn. Nhiều hộ chăn nuôi cho hay dù thực hiện đầy đủ những yêu cầu của ngân hàng như: Giấy phép cho chăn nuôi, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ, vay trả lãi theo quy định của ngân hàng... nhưng khi vay vẫn gặp nhiều khó khăn. “Ở Đồng Nai chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm đến hơn 60% và thường ngân hàng chỉ giải quyết ở mức 20 triệu đồng/hộ chẳng thấm tháp vào đâu so với nhu cầu. Đã vậy, người dân thường phải vay qua kênh vay vốn tín chấp của các hội, đoàn thể… nên rất mệt về những quy định hành chính, giấy tờ…”, chị Nguyễn Thị Hà ở huyện Trảng Bom than thở.
Khảo sát của ngành chức năng cho thấy, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã đến được với khu vực nông nghiệp, nông thôn nhưng thực tế vẫn chưa theo kịp với tình hình. Nguyên nhân chính là do thiếu sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, trong khi đó hoạt động cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn lại thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro nên không ít tổ chức tín dụng ngần ngại triển khai.
Tăng tốc giải ngân
Năm nay TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung vốn cho nông nghiệp, đặc biệt ưu tiên các lĩnh vực áp dụng công nghệ cao, chế biến nâng cao chất lượng hàng hóa, tính cạnh tranh của sản phẩm… Theo đó, dự kiến dư nợ tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ tăng 70-85% so với cùng kỳ, tương đương với mức vốn khoảng 35.000-37.000 tỷ đồng. “Hiện lãi suất cho vay đối với tín dụng khu vực này là không quá 9%/năm và Ngân hàng Nhà nước đang khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất trong thời gian tới xuống 7-8%/năm ngắn hạn và 8-9%/năm trung và dài hạn. Để phát huy hiệu quả chương trình, theo tôi cần có sự tham gia của nhiều nguồn lực từ ngân sách, những nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài… vì bản thân ngân hàng khó đảm đương”, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh nhận định.
Tăng cường nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã quyết định dành 15.000 tỷ đồng vốn trái phiếu để “tiếp sức” và chủ yếu “chảy” vào sản xuất nông nghiệp. Mới đây, Chính phủ cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét khả năng điều chỉnh giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và lạm phát. Ngoài ra, kết hợp với bộ, ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm xây dựng các chương trình cho vay thí điểm phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hiện ngành chức năng đã có các quy hoạch từng nhóm ngành, từng vùng sản xuất cụ thể; đồng thời có sự liên kết từ đầu vào tới đầu ra… từ đó hướng tới các mô hình sản xuất lớn, liên kết dồn điền đổi thửa, cánh đồng mẫu lớn… nhằm triển khai các gói tín dụng vào thực tế phát huy hiệu quả hơn.
Lê Nghĩa