Dân tộc La Hủ là một trong những dân tộc ít người, sống tập trung ở huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Trước Cách mạng tháng Tám, dân tộc này gần như bị “bỏ quên” trong rừng thẳm. Từ khi Cách mạng thành công, dân tộc La Hủ đã được quan tâm, phát triển, đặc biệt là từ khi có Đề án “Phát triển kinh tế, xã hội các dân tộc Mảng, La Hủ và Cống" ở tỉnh Lai Châu.Men theo lưng đèo quanh co khúc cua tay áo, chúng tôi tìm đến xã Pa Vệ Sử (huyện Mường Tè), nơi có đông đồng bào La Hủ sinh sống. Xe đi được nửa đường thì trời bỗng đổ mưa rào, nước trắng xóa cả một khoảng trời. Tôi lo lắng hỏi anh cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện: “Mưa thế này, liệu có vào được xã không?”. Anh trả lời cứ yên tâm, đường vào xã bây giờ đã được trải nhựa, nên mưa to cũng không vấn đề gì.
Con, em đồng bào La Hủ ở Pa Vệ Sử đã có trường, lớp khang trang để học. |
Đón đoàn chúng tôi hôm đó là Phó Bí thư Đảng ủy xã Pa Vệ Sử, bà Lò Phù Mé (dân tộc La Hủ). Ngoài trời mưa nặng hạt như đưa chúng tôi ngược dòng quá khứ tìm hiểu về lịch sử của người La Hủ.
Phó Bí thư Mé kể, ngày xưa bố mẹ bà sống ở tận vùng Ka Lăng, Thu Lũm - nơi giáp với biên giới Việt - Trung. Khi còn nhỏ, bà vẫn được nghe bố mình là cụ Lò Me Xá kể về cuộc sống tăm tối trước đây. Ngày ấy, người La Hủ thường tập trung thành 5 - 10 hộ, sống du canh, du cư, cuộc sống vô cùng bấp bênh. Họ chủ yếu sống bằng nghề săn bắn, nên bữa đói bữa no. Đến cuối những năm 60, của thế kỷ trước, nhờ được tuyên truyền, vận động, cụ Xá mới đưa cả gia đình xuống định cư ở xã Pa Vệ Sử. Là người tiên phong, cụ Xá đã cùng cán bộ địa phương đi vận động người dân xuống xây dựng bản làng ở Pa Vệ Sử này. Giờ đây nhờ được quan tâm, đầu tư, người La Hủ đã định canh định cư. Cuộc sống nay đây mai đó, bữa no bữa đói chỉ còn trong ký ức của những người lớn tuổi. Đồng bào La Hủ ở Pa Vệ Sử đã có đường để đi, có cả điện thoại di động để gọi, nhiều nhà mua sắm được các tiện nghi phục vụ sinh hoạt gia đình…
Đồng bào La hủ đã định canh, định cư. |
Theo lời giới thiệu của Phó Bí thư xã, chúng tôi đến thăm gia đình anh Phàn Lò Chóng, ở bản Seo Thèn B. Hai. Chị Lò Thị Mé, vợ anh Chóng, vừa sinh con thứ 2. Chị chia sẻ, khi chị sinh con đã được gia đình đưa xuống trạm xá, ở đây chị được các y tá chăm sóc rất chu đáo, khi sinh chị còn được Nhà nước cho tiền (1 triệu đồng). Hai vợ chồng anh chị trồng được 12 sào ruộng, xen canh cả lúa, ngô, sắn, nên thu nhập cũng khá ổn định. Nhà đã sắm được xe máy, ti vi và cả tủ lạnh nữa.
Ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết, dân tộc La Hủ tập trung ở 4 xã trong huyện là Ka Lăng, Thu Lũm, Pa Ủ và Pa Vệ Sử. Đây là dân tộc rất khó khăn trên địa bàn huyện với tỷ lệ hộ nghèo cao, chất lượng dân số và chất lượng cuộc sống ở mức rất thấp. Tập quán sinh hoạt, sản xuất lạc hậu, gần như phụ thuộc vào tự nhiên. Từ khi có Đề án “Phát triển kinh tế, xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ và Cống" ở tỉnh Lai Châu, đời sống của đồng bào đã có sự chuyển biến rõ rệt. Hiện nay, huyện đã thực hiện xong giai đoạn 1 (2011 - 2015) của đề án. Từ khi Đề án được triển khai đến nay, đã thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.
Ông Hiển cho biết thêm, từ nguồn vốn của Đề án, nhiều dự án giao thông, dự án thủy lợi đã được thực hiện. Đồng bào được hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất như thâm canh lúa, chăn nuôi, hỗ trợ giống cây trồng và giống gia súc… Bước đầu đã giúp cho họ biết giao lưu kinh tế, văn hóa, áp dụng tiến bộ khoa học và sản xuất, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi đã có sự chuyển biến tích cực hơn. Về văn hóa, giáo dục, đã được nâng lên; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường tăng. Các nét văn hóa tốt đẹp đã được khôi phục, các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ thường xuyên được tổ chức... Sự tuyên truyền vận động của chính quyền, các cơ quan, đoàn thể đã kịp thời động viên, khích lệ người dân tham gia tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, đồng thời tăng tính thích ứng và hoà nhập cộng đồng. Nhận thức của người dân về y tế và chăm sóc sức khỏe đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh, phụ nữ thời kỳ mang thai và sinh nở được gia đình quan tâm hơn.
Phụ nữ La Hủ đã biết đến trạm xá để khám chữa bệnh. |
Theo Trưởng bản Seo Thèn B, Ly Gạ Chừ: “Cả bản có 65 hộ, mỗi hộ có trung bình từ 4 - 5 sào lúa nước, còn lại chủ yếu trồng ngô, sắn. Trước đây, do không biết áp dụng kỹ thuật vào nông nghiệp, nên năng suất và chất lượng rất thấp. Chính vì thế mà bán cũng không có người mua, đành để ăn và chăn nuôi. Từ khi thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế, xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ và Cống", nhiều hộ đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, từ đó nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo”.
Đề án “Phát triển kinh tế, xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ và Cống" đã thực sự đem “cần câu” đến cho đồng bào, giúp cuộc sống của đồng bào La Hủ ở Mường Tè khởi sắc hơn. Tuy nhiên, theo bà Lò Thị Vương, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2 của Đề án (2015 - 2020) cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để thay đổi căn bản nhận thức của người dân, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại, bởi đây sẽ là một cái “bẫy nghèo” đáng sợ nếu không tuyên truyền tốt. Mặt khác, các bộ, ngành liên quan cần sớm có các văn bản hướng dẫn để các dự án thành phần của Đề án sớm được xây dựng và thực hiện có hiệu quả.