Huyết thanh trị Ebola gây tranh cãi quốc tế

Quyết định sử dụng loại huyết thanh ZMapp đang trong quá trình thử nghiệm để điều trị cho hai bác sĩ người Mỹ nhiễm virus Ebola đã làm dấy lên nhiều tranh cãi quốc tế, dù các chuyên gia Mỹ cho rằng việc này vẫn bảo đảm vấn đề đạo đức.

Tổ chức Y tế thế giới ngày 6/8 tuyên bố sẽ triệu tập một cuộc họp đặc biệt vào tuần tới để lấy ý kiến về việc sử dụng loại huyết thanh thử nghiệm này đối phó với đại dịch Ebola đang bùng phát ở Tây Phi.

Một trường học ở Monrovia (Liberia) đóng cửa để bảo vệ học sinh trước nguy cơ lây lan của virus Ebola ngày 31/7. Ảnh: AFP-TTXVN


Huyết thanh ZMapp vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển, chỉ được thử nghiệm ở loài khỉ trước đó và chưa từng được sản xuất trên quy mô lớn. Trong khi đó, tính đến thời điểm này, chưa có phương pháp điều trị hay loại thuốc nào được chứng minh hữu hiệu trong việc điều trị virus Ebola.

Tuy nhiên, hai bác sĩ người Mỹ Kent Brantly và Nancy Writebol sau khi được điều trị bằng huyết thanh trên đang có những chuyển biến tích cực. Thông tin trên đã khiến nhiều người thúc giục nhanh chóng sử dụng ZMapp tại các điểm nóng của dịch Ebola là Guinea, Liberia và Sierra Leone.

Nigeria, quốc gia xác nhận có 7 trường hợp nhiễm Ebola đến thời điểm này, đã làm việc với Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ về khả năng tiếp cận huyết thanh ZMapp.

Ba chuyên gia đứng đầu về điều trị virus Ebola, trong đó có Peter Piot, người đồng phát hiện ra virus Ebola vào năm 1976 và là giám đốc của trường Vệ sinh và y học nhiệt đới London, cũng đã hối thúc sử dụng rộng rãi loại huyết thanh này.

Tờ Thời báo Los Angeles dẫn tuyên bố chung của ba chuyên gia: “Nếu virus Ebola đang lan tràn ở các nước Phương Tây thì có khả năng rất cao là các quan chức y thế sẽ cho phép những bệnh nhân có nguy cơ được tiếp cận với các loại thuốc hoặc vắcxin đang trong quá trình thử nghiệm. Do đó, các quốc gia châu Phi cũng cần có được cơ hội này”.

Mapp Pharmaceuticals, công ty Mỹ sản xuất ZMapp, cho biết bất kì quyết định nào liên quan đến việc sử dụng loại huyết thanh trên cũng nên do các bác sĩ điều trị đưa ra, đồng thời cho hay công ty này đang tăng số lượng sản xuất ZMapp.

Cũng trong ngày 6/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng các quốc gia đang có dịch nên tập trung vào các biện pháp y tế cộng đồng đã được chứng minh tính hiệu quả thay vì loại huyết thanh chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, ông Obama cũng khẳng định “sẽ tiếp tục theo dõi thông tin về việc chúng ta đã biết được gì về loại huyết thanh này”.

Theo các chuyên gia, huyết thanh ZMapp vẫn chưa sẵn sàng để được đưa vào sử dụng do “luôn tồn tại nguy cơ đến từ những phương pháp điều trị chưa được chứng minh”. Việc hai bác sĩ Brantly và Writebol được chấp nhận cho điều trị bằng ZMapp là vì hai người này nhận thức rõ nguy cơ họ phải đối mặt. Dù cả hai đang có những phả ứng tích cực, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước trong việc kiểm chứng loại huyết thanh này.

ZMapp gồm 3 kháng thể, được điều chế từ lá cây thuốc lá đã biến đổi gien, vốn phải mất nhiều tuần để phát triển. Giám đốc Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm của Mỹ Anthony Fauci cho biết các dữ liệu thu được từ thử nghiệm ZMapp trên động vật nhiễm Ebola là rất tốt và việc sử dụng loại huyết thanh này ở hai bệnh nhân người Mỹ mở ra hy vọng tích cực về khả năng ZMapp có thể kháng virus Ebola.

Ngoài ra, thuốc mới được thử nghiệm chỉ trên 2 bệnh nhân nên phải rất thận trọng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào về việc dùng thuốc trong điều trị bệnh. Hồi tháng 1, huyết thanh ZMapp lần đầu tiên được xác định là “ứng cử viên tiềm năng nhất” có thể kháng lại Ebola, loại virus gây sốt, nôn mửa, tiêu chảy, đau cơ, suy hô hấp và đôi khi gây xuất huyết, song vẫn chưa có được những thử nghiệm an toàn trên người.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kể từ khi bùng phát hồi tháng 2 vừa qua tại Tây Phi, đến nay virus Ebola đã khiến 887 người tử vong. Bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế, số ca nhiễm bệnh và tử vong không ngừng tăng lên tại khu vực này do các điều kiện yếu kém về chăm sóc y tế.


Anh Tiếu (Tổng hợp)

Xác nạn nhân Ebola bị quẳng ra đường
Xác nạn nhân Ebola bị quẳng ra đường

Trong bối cảnh bóng ma chết chóc của đại dịch Ebola đang lan tràn khắp Tây Phi, nhiều người dân vì quá sợ hãi và thiếu hiểu biết đã mang thi thể người thân nhiễm loại virus chết người này quẳng ra đường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN