Ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Romania là thị trường lớn nhất vùng Nam Âu với 21 triệu dân, có vai trò là cửa ngõ vào thị trường EU với 500 triệu dân; đồng thời có vị trí địa lý là đầu mối 3 hành làng kinh tế của EU, rất thuận lợi về vận tải biển đi các nước EU.
Hiện nay, Romania đảm bảo được 1/2 nhu cầu nội địa về dầu lửa và 2/3 về khí đốt, có tiềm năng lớn về nông nghiệp, nhưng đất canh tác còn bị bỏ hoang khá nhiều (0,8 triệu ha), phần lớn chưa chủ động được về thủy lợi nên có năm phải nhập khẩu lương thực.
Các sản phẩm nông nghiệp chủ chốt gồm: lúa mì, ngô, lúa mạch, củ cải đường, hạt hướng dương, khoai tây, nho, trứng, thịt cừu... Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu gồm: thiết bị điện, dệt may, giày da, máy móc, ô tô, sản phẩm khai khoáng, đồ gỗ, vật liệu xây dựng, thép, nhôm, hóa chất, thực phẩm chế biến, khí đốt, sản phẩm hóa dầu, dược phẩm...
Romania có nhiều tập đoàn kinh tế lớn; trong đó, phải kể đến Tập đoàn Romgaz (khí đốt), SNP Petrom và Rompetrol (lọc hóa dầu), ElectroPutere (thiết bị điện, đầu máy xe lửa), Olchim (hóa chất), Dacia (ô tô), Artic (điện lạnh, đồ gia dụng), Sidex Galati (thép), Alro Slatina (nhôm), Sicomed (dược phẩm), Romsilva (gỗ), Mobexpert (đồ gỗ gia dụng)...
Trong khi đó, Việt Nam là một thị trường lớn của ASEAN với trên 90 triệu dân, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) quốc tế đa phương và song phương có thể tận dụng tiếp cận đến thị trường hơn 50 nền kinh tế lớn trên thế giới. Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Đánh giá về thương mại hai chiều giữa hai nước Việt Nam và Romania trong thời gian qua, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ Trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, thương mại hai chiều giữa hai nước trong những năm gần đây có mức tăng trưởng đáng kể, đạt khoảng 16%, với tổng kim ngạch thương mại năm 2018 đạt 218,3 triệu USD, tăng 6,08% so với năm 2017; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Romania đạt 146,8 triệu USD, tăng 22,7% so với năm 2017 và nhập khẩu từ Romania sang Việt Nam đạt 71,5 triệu USD, giảm 17% so với năm 2017.
Trong 3 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Romania đạt gần 67 triệu USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Romania đạt 50,19 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2018 và nhập khẩu từ Romania sang Việt Nam đạt 16,4 triệu USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Việt Nam xuất khẩu sang Romania chủ yếu là cà phê, hải sản, giày dép, dệt may, rau quả, hạt tiêu…, còn nhập khẩu chủ yếu là sắt thép và các sản phẩm máy móc thiết bị, đồ gỗ, dược phẩm, hóa chất… Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng khả quan do các doanh nghiệp Romania ngày càng hiểu biết về thị trường Việt Nam và muốn đa dạng hóa nguồn nhập khẩu.
Trong khi đó, xuất khẩu của Romania sang Việt Nam có xu hướng giảm và nguyên nhân chủ yếu là do giá cả không cạnh tranh được với các nước mà Việt Nam đã ký FTA. Cụ thể như xuất khẩu phân bón của Romania giảm mạnh do phải chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn các nước có FTA với Việt Nam.
Ông Tạ Hoàng Linh cho biết thêm, Romania là nước ủng hộ mạnh mẽ tự do hóa thương mại và thực hiện chính sách mở cửa thị trường. Do vậy, trong thời gian tới việc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này sẽ thuận lợi, không gặp khó khăn, trở ngại nhiều bởi hàng rào kỹ thuật hay các biện pháp phi thuế quan.
Đặc biệt, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) được thông qua, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này kỳ vọng sẽ có bước chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này sẽ phải cạnh tranh với nhiều nước trong khu vực châu Á, các nước khu vực Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ. Hầu hết các nước này đều có những doanh nhân là các kiều dân sinh sống lâu đời tại Romania nên hiểu rất rõ cách tiếp cận thị trường cũng như tập quán kinh doanh của nước sở tại.
Để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm sang Romania, theo ông Tạ Hoàng Linh, bên cạnh việc đẩy mạnh bán hàng trực tiếp cho các nhà nhập khẩu và phân phối của Romania thì giải pháp lâu dài và hiệu quả là tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống bán lẻ lớn hoặc thông qua các doanh nghiệp tại địa bàn để đưa hàng trực tiếp vào các chuỗi bán lẻ này. Đồng thời, cần có sự tham gia của các cơ quan quản lý, các tổ chức xúc tiến, Hiệp hội và quan trọng hơn cả là sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.