Theo kế hoạch, vào ngày 29/5 tới, Thái Lan sẽ tổ chức một hội nghị về cuộc khủng hoảng người di cư bằng thuyền có sự tham dự của 15 nước, trong đó có Bangladesh, Indonesia, Lào, Malaysia, Việt Nam, Australia và Mỹ. Hiện Philippines và Myanmar vẫn chưa xác nhận có tham dự hội nghị này hay không.
Người di cư Myanmar tại lều tạm ở Kuala Langsa, tỉnh Aceh, Indonesia ngày 16/5, sau khi được cứu sống trên biển. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, vào ngày 19/5, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho rằng cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay là vấn đề của cả khu vực Đông Nam Á.
Tuyên bố được đưa ra trước thềm một cuộc họp then chốt về người di cư giữa Indonesia với Thái Lan và Malaysia, những quốc gia đang đối mặt với sức ép gia tăng yêu cầu họ cho người di cư vào đất liền.
Phát biểu trước thềm cuộc họp với hai người đồng cấp Malaysia và Thái Lan dự kiến vào ngày 20/5 tại Kuala Lumpur, Ngoại trưởng Retno Marsudi nêu rõ: "Người di cư không phải là vấn đề của 1 hay 2 quốc gia mà là vấn đề của cả khu vực. Tình trạng này cũng diễn ra ở những nơi khác, đó thực sự là một vấn đề quốc tế".
Bà Marsudi lưu ý rằng Indonesia đã tiếp nhận khoảng 12.000 người di cư đến từ hơn 40 quốc gia và hiện chờ tái định cư, đồng thời khẳng định Indonesia đã làm nhiều hơn những gì đáng lẽ phải làm.
Hiện Indonesia, Malaysia và Thái Lan chưa tham gia hiệp định 1951 của Liên hợp quốc (LHQ) về người tỵ nạn, theo đó các nước ký kết buộc phải tổ chức tái định cư cho một số lượng nhất định người di cư.
Trong những ngày qua, gần 3.000 người di cư Bangladesh và người thiểu số Rohingya của Myanmar đã cập bờ ở Indonesia, Thailand và Malaysia, sau khi Thái Lan triệt phá các đường dây buôn người, khiến những đối tượng cầm đầu bỏ rơi người di cư trên những con thuyền ngoài biển.
Theo thống kê của Cao ủy LHQ về người tỵ nạn (UNHCR), hiện có ít nhất 2.000 người di cư được cho đang lênh đênh trên các vùng biển ngoài khơi Indonesia, Thái Lan và Malaysia mà không có nước uống và lương thực.
Trước tình hình trên, ngày 19/5, Chính phủ Myanmar đã cam kết hợp tác với các đối tác trong khu vực và quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư bằng thuyền hiện nay.
Cùng ngày, Chính phủ Philippines cho biết nước này sẵn sàng giúp đỡ người di cư Rohingya và Bangladesh trong nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư bằng thuyền hiện nay tại khu vực.
Phát biểu trên kênh truyền hình ANC, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói rằng Manila có nhiệm vụ và trách nhiệm cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho những người di cư Bangladesh và Rohingya theo những điều khoản cam kết trong hiệp định 1951 của LHQ. Tuy nhiên, người phát ngôn này không cung cấp chi tiết kế hoạch hỗ trợ của Chính phủ Philippines.
Trong khi đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ngày 19/5 cho biết sẽ cử một tàu quân sự tới hỗ trợ công tác cứu trợ người di cư Rohingya đang lênh đênh trên các con thuyền ở ngoài khơi các nước Thái Lan và Indonesia.
TTXVN/Tin tức