Tình trạng học sinh bỏ học, chưa trở lại trường sau Tết ở nhiều trường vùng dân tộc thiểu số cơ bản đã chấm dứt, tuy nhiên, nhiều trường thầy, cô đang phải chờ học trò.Tạo môi trường học tập thân thiện để thu hút học sinh. |
Là một trong số các trường có học sinh trở lại trường sau Tết khá khiêm tốn (30%, trong ngày đầu đi học, 24/2), nhưng đến trưa ngày 2/3, sau 4 ngày tái giảng, học sinh Trường Tiểu học bán trú Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến trường đã đạt 97%. “Nếu không có dịch thủy đậu, chắc chắn số học sinh đến trường đạt 100%”, thầy Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
Đạt được kết quả trên là nỗ lực của giáo viên nhà trường trong những ngày qua, kể cả thứ bảy, chủ nhật, không kể ngày hay đêm, cứ hết giờ giảng dạy lại vào bản, phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương vận động học sinh, phụ huynh đưa con em trở lại lớp. Bên cạnh đó, chính quyền, cấp ủy cơ sở cũng đã vào cuộc quyết liệt. Cụ thể, các bản không tổ chức các hoạt động vui chơi, hội hè. Có thôn, bản còn lập danh sách những hộ nào không cho con đến trường để cuối năm bình xét tiêu chuẩn gia đình văn hóa, hoặc bình xét hộ nghèo, hộ được vay vốn.
“Tính đến trưa ngày 2/3, học sinh huyện Mường Nhé đến trường đạt trên 85%”, trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé, Trần Ngọc Kiên cho biết.
Trước tình hình học sinh THCS ở các xã vùng cao sau Tết nghỉ học nhiều, Phòng GD&ĐT huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai và chính quyền các xã Dìn Chin, Tả Gia Khâu đã tổ chức các tổ công tác, bao gồm giáo viên phụ trách lớp và trưởng thôn, bản, đến từng nhà vận động học sinh ra lớp; đặc biệt, tập trung vào các học sinh lớn đang học THCS, thuyết phục phụ huynh không bắt con ở nhà lao động (vì đang vào mùa vụ trồng ngô, đậu tương xuân) hoặc ép gả con gái lấy chồng sớm.
Nơi ăn, ở đảm bảo, cha mẹ học sinh yên tâm hơn khi cho con đến trường. |
Theo ông Nguyễn Hoàng Chiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Khương, đến nay, học sinh ở hai xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu cơ bản đã ra lớp đầy đủ: Mầm non đạt 94%, tiểu học đạt 98% và THCS đạt 96%. Các trường học ở vùng cao đã trở lại dạy và học bình thường.
Ông Vũ Tiến Hóa, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, cho biết, ngày đầu tiên tái giảng sau Tết (ngày 2/3) học sinh ở hai xã Nậm Manh và Nậm Chà đến trường đạt hơn 95%. “Chúng tôi xác định, sau Tết đồng bào tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, nên đã quyết định cho học sinh nghỉ hết tuần sau Tết và bắt đầu tái giảng vào thứ hai đầu tuần sau (2/3). Đây cũng là dịp để các giáo viên ổn định lại trường lớp, đồng thời, có khoảng thời gian vài ngày để vừa đi chúc Tết ở các thôn, bản, vừa kết hợp vận động học sinh trở lại trường đúng lịch”, thầy Hóa cho biết.
Để học sinh vùng cao đi học đúng lịch, không nghỉ học, bỏ học sau Tết ngoài việc làm thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh, học sinh, thì sự nỗ lực vận động của học sinh của các thầy cô là không thể phủ nhận. Song song với đó là sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương. |
Đối với xã biên giới Tam Thanh vùng cao của huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, gần 10 năm trở lại đây tình trạng học sinh bỏ học sau Tết ở xã đã không còn xảy ra.
Hiệu trưởng trường PTDT bán trú xã Tam Thanh, ông Phạm Quang Huy cho biết: Để hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng này, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các đoàn thể, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cha mẹ học sinh. Đồng thời, thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Nhà trường đã phối hợp với phụ huynh, làm nhà tạm cho học sinh cách xa trường ở lại. Bên cạnh đó, cũng chỉ đạo sát sao tới việc nâng cao chất lượng dạy và học.
Theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, ngay từ trước Tết, đặc biệt là sơ kết học kỳ 1, các trường và các giáo viên đã quán triệt và tuyên truyền tới phụ huynh, vận động và yêu cầu các em trở lại trường sau Tết đúng lịch đã đề ra. Các trường chủ động thực hiện các giải pháp động viên, khuyến khích học sinh đi học đều. Nhiều học sinh và nhiều phụ huynh cũng đã ý thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đi học, bởi vậy, sau kỳ nghỉ Tết năm nay, hầu hết học sinh vùng cao ở thanh Hóa đã trở lại trường học tập, trong khi địa phương vẫn đang diễn ra các lễ hội truyền thống.
Bài và ảnh: Trọng Thủy