Theo quy định nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, bậc THPT và THCS tổ chức lớp học lại từ mồng 6/2, tiểu học và mầm non từ mồng 10/2. Tuy nhiên ở vùng cao, đặc thù học sinh dân tộc thiểu số, việc ra lớp những ngày đầu năm đủ sĩ số là việc khó. Mặc dù, thầy cô giáo đã băng rừng, lội suối đến tận gia đình vận động nhưng tỷ lệ học sinh tới trường vẫn chưa cao.
Mùa “vui”
Trường PTDT bán trú THCS xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) đến thời điểm này chỉ có 138/202 học sinh ra lớp (đạt 65%). Thầy hiệu trưởng Trịnh Đình Vụ cho biết: Trong 2 ngày, từ mồng 8 đến mồng 9, các thầy cô giáo của trường về tận bản vận động học sinh trở lại trường. Do năm nay nghỉ Tết kéo dài 2 tuần, nhà ở xa, có điểm đi mất nửa ngày đường nên các em học sinh đến trường muộn. Chúng tôi đang phối hợp với chính quyền xã về bản, tổ chức họp dân, vận động phụ huynh đưa con em ra lớp.
Mùa làm nương, một học sinh ở xã Pa Ủ, (Mường Tè, Lai Châu) phải nghỉ học trông em giúp bố mẹ làm nương. |
Các thầy cô giáo ở xa, để đảm bảo biên chế năm học, ra Tết nhanh chóng về trường đứng lớp. Lớp thiếu học sinh, các thầy cô không quản vất vả về bản vận động phụ huynh, dỗ dành học sinh tới trường. Cô giáo Trần Thị Hằng, chủ nhiệm lớp 7, trường PTDT bán trú THCS xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) về quê Hà Nam ăn Tết cùng bố mẹ, chiều mồng 7/2 vội vã có mặt tại trường. Chưa hết mệt, buổi tối cô Hằng đến phòng ở bán trú, điểm danh học sinh lớp mình, thấy thiếu 10 em trên tổng 30 học sinh. Sáng ngày hôm sau nhận nhiệm vụ, cô cùng thầy giáo Toàn đi về các bản, đưa học sinh ra lớp. Về đến trường, cô giáo Hằng cười tươi, vì vận động được 20 em, cả học sinh lớp mình và học sinh khối khác về trường.
Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Chủ tịch huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết: Năm nay, các trường nghỉ Tết dài, hầu hết bà con dân tộc thiểu số cũng chuyển sang ăn Tết Nguyên đán, các em đang mải vui hội, đi thăm thân, chơi bản xa nên đến trường rải rác. Chính quyền huyện chỉ đạo Phòng giáo dục cử cán bộ xuống các trường kiểm tra, nắm tình hình, chỉ đạo nhà trường kết hợp với chính quyền địa phương, tích cực đến tận bản, vận động phụ huynh đưa con em mình ra lớp. Theo số liệu báo về, tỉ lệ học sinh ra lớp những ngày sau Tết năm nay cao hơn năm trước, chỉ còn các trường của 3 xã: Tà Tổng, Pa Ủ, Tá Pạ có số lượng học sinh tới trường chỉ đạt dưới 65%.
Mùa làm nương
Trường THCS xã Tà Tổng buổi đầu tiên sau Tết (10/2), học sinh vắng gần nửa, có 127/210 học sinh về trường. Nói về nguyên nhân học sinh chưa về trường, thầy giáo hiệu trưởng Phạm Duy Toàn cho rằng: ăn Tết xong, bà con bắt đầu đốt nương trồng trọt, các em học sinh theo bố mẹ vào lán nương, ruộng để lao động cùng gia đình. Thầy cô giáo về bản không gặp, vào tận lán nhưng có phụ huynh ủng hộ, có phụ huynh lại nói “nó phải đi làm kiếm cái ăn chứ, nhà tôi nghèo cô giáo à”. Nhìn học sinh lao động nặng nhọc, không được về trường đi học, thầy cô giáo thương nhưng biết làm sao được. Thầy Toàn cho biết thêm: ở hai bản xa nhất (A Mé, Nậm Dính), đi bộ mất hơn 5 giờ đồng hồ băng rừng mới tới nơi, có 30% số học sinh chưa về trường. Hiện giờ, thầy Lò Văn May và thầy Đỗ Văn Trưởng đang vào trong đó vận động chưa rõ kết quả thế nào.
Sau Tết trong các lớp học của nhiều trường vùng cao vắng học sinh. |
Em Phản Mò Chô, 13 tuổi, ở bản Mu Chi, học sinh lớp 8, trường PTDT bán trú THCS xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) theo bố mẹ đi nương. Thầy cô giáo vào tận lán nói khéo với bố mẹ, Chô mới được về đi học. Thầy giáo Điêu Văn Vo, phụ trách điểm bản Hà Si của trường tiểu học số 1 Pa Ủ cho biết: Bà con dân tộc La Hủ ở đây ít khi về ở tập trung tại bản, họ cùng con cái vào tận lán trên nương để sống. Vì vậy, nghỉ Tết xong việc đưa các em về lớp là rất khó.
Bà Lý Mỹ Ly - Trưởng phòng Giáo dục huyện Mường Tè (Lai Châu) cho biết: Các em học sinh dân tộc còn khó khăn, mùa làm nương phải ở nhà giúp bố mẹ nên tỷ lệ chuyên cần của các trường không cao. Cuối năm, Chính phủ hỗ trợ gạo ăn Tết cho các trường, Phòng giáo dục cũng chỉ đạo Ban giám hiệu phát cho các em mang về ăn Tết cùng gia đình. Đi học vừa được ăn ở, biết cái chữ, còn được mang gạo về nhà ăn Tết cùng bố mẹ, học sinh nào cũng vui.
Bài và ảnh:Việt Hoàng