Hoạt động của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại APEC 21

Theo đặc phái viên TTXVN, trong ngày làm việc thứ hai (8/10), Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 21 đã tiếp tục hai phiên họp quan trọng về “Tầm nhìn APEC về kết nối trong cấu trúc quốc tế và khu vực đang định hình”, và “Tăng trưởng bền vững gắn với công bằng - an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng”. Đây cũng chính là những nội dung then chốt của hợp tác APEC trong năm 2013 cũng như trong thời gian tới.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự cuộc gặp lãnh đạo các nước thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 21.NguyễnKkhang - TTXVN


Phát biểu tại các phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh kết nối đã trở thành nhu cầu tất yếu của hợp tác APEC trong thế kỷ 21 do xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sáng tạo, công nghệ số và sự mở rộng nhanh chóng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam ủng hộ việc thông qua và sớm triển khai “Khuôn khổ kết nối APEC”, tập trung vào những lĩnh vực thiết thực, nhất là kết nối về đầu tư và tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, tạo thuận lợi đi lại trong lĩnh vực lao động, giáo dục, du lịch, ứng phó với tình trạng khẩn cấp, phát triển nguồn nhân lực và tăng cường đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp...


Về tăng trưởng bền vững gắn với công bằng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đề nghị cần có tư duy phát triển và cách tiếp cận mới về an ninh lương thực - nguồn nước - năng lượng trên cơ sở tầm nhìn dài hạn, đa ngành, đổi mới và sáng tạo, đồng thời hợp tác trong lĩnh vực này cần trở thành nội hàm ưu tiên của các cơ chế APEC. Là dân tộc mà quá trình hình thành và phát triển luôn gắn liền với văn minh lúa nước và hiện trở thành một trong những quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực chủ yếu trên thế giới, Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của an ninh lương thực - nguồn nước - năng lượng, đã và đang tích cực tham gia hợp tác ở mọi cấp độ toàn cầu, liên khu vực và khu vực cũng như song phương. Việt Nam mong muốn và sẽ tiếp tục đóng góp hết sức mình vào các nỗ lực chung của APEC.


Sau hai ngày làm việc khẩn trương và liên tục, chiều 8/10, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 21 đã chính thức bế mạc. Các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua 2 Tuyên bố “Châu Á-Thái Bình Dương tự cường, động lực cho tăng trưởng toàn cầu” và “Tuyên bố của Hội nghị lần thứ 21 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 9 của Tổ chức Thương mại Thế giới”, cùng với các văn kiện kèm theo về “Khuôn khổ kết nối APEC” và “Kế hoạch dài hạn về đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng”. Tuyên bố của Hội nghị đã nhấn mạnh các thành viên APEC nhất trí ủng hộ Việt Nam đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 vào năm 2017.



* Ngay sau khi kết thúc hội nghị cấp cao APEC 21, chiều 8/10, cuộc họp cấp cao các nhà lãnh đạo 12 nước thành viên đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), gồm Brunei, Canada, Chile, Mỹ, Malaysia, Mexico, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Peru, Singapore và Việt Nam, đã diễn ra tại Bali, Indonesia. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự cuộc họp.


Cuộc họp đã thông qua “Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương” và “Báo cáo của các Bộ trưởng Thương mại Hiệp định Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương”.


Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ đánh giá của các thành viên cùng quyết tâm thúc đẩy đàm phán. Chủ tịch nước đề nghị cần có cách tiếp cận thực tế, linh hoạt, tính đến sự khác nhau về trình độ phát triển giữa các thành viên, quan tâm thỏa đáng hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực thực thi cam kết nhằm hiện thực hóa những cơ hội và tiềm năng hợp tác mà liên kết này có thể mang lại.


TTG

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN