Hiệu quả từ mô hình “bốn giảm, ba giữ”

Ấp Ô Rồm, thuộc xã Châu Điền, huyện Cầu Kè (Trà Vinh), có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Tuy đời sống còn khó khăn, nhưng bà con Khmer nơi đây rất đoàn kết, gắn bó, cùng nhau xây dựng ấp Ô Rồm đạt chuẩn ấp văn hóa và thực hiện tốt nội dung “bốn giảm, ba giữ” do chính quyền địa phương phát động.

 

Năm 2011, hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và ấp, khóm văn hóa, ấp Ô Rồm được Đảng ủy xã Châu Điền chọn làm điểm chỉ đạo thành lập câu lạc bộ “bốn giảm, ba giữ”. “Bốn giảm” là giảm trộm cắp vặt, cờ bạc, thanh thiếu niên tụ tập đêm khuya, đánh cá bằng điện. Còn “Ba giữ” là giữ tài sản, tình làng nghĩa xóm, con em trong gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.

 

Đua võ lãi trên vùng quê xã Châu Điền.


Câu lạc bộ có sự tham gia của đại diện chi bộ, các đoàn thể của ấp như: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên... và lực lượng Công an. Các thành viên này là lực lượng nòng cốt, có trách nhiệm vận động, tuyên truyền và giúp đỡ từng nhóm hộ dân theo phân công cụ thể. Ngoài tuyên truyền nội dung “bốn giảm, ba giữ”, các thành viên câu lạc bộ còn chú trọng tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước có liên quan đến sinh hoạt và đời sống của đồng bào Khmer.


Qua gần 3 năm hoạt động, nhờ việc thường xuyên tuyên truyền, ý thức chấp hành pháp luật của người dân ấp được nâng lên rõ rệt. Từ một ấp có tình hình an ninh trật tự xã hội phức tạp, hơn 2 năm nay tại ấp Ô Rồm không còn xảy ra phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội giảm 90%. 22 đối tượng thường xuyên gây rối trật tự công cộng và tệ nạn xã hội trước đây, được các thành viên câu lạc bộ và người thân trong gia đình giáo dục, giúp đỡ, đến nay hầu hết đã chuyển biến tốt. Anh Thạch Phol, sinh năm 1984, trước đây thường xuyên uống rượu say, gây mất trật tự xóm ấp.

Ông Kim Rane, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ, cùng các thành viên đến tận nhà, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình anh Phol. Gia cảnh anh Phol rất khó khăn, không đất sản xuất, ai thuê gì làm nấy. Hoàn cảnh nghèo, cộng thêm cú sốc vợ bỏ nhà ra đi, nên anh Phol rơi vào cảnh bế tắc, rồi vùi mình vào men rượu. Biết được nguyên nhân, ông Kim Rane phối hợp với Hội Phụ nữ ấp đến giáo dục, động viên và vận động bà con xóm ấp hỗ trợ anh Phol bằng cách cho mượn đất, vốn để sản xuất. Trước sự quan tâm của chính quyền địa phương, bà con chòm xóm, anh Phol đã chịu khó lao động sản xuất, không còn say rượu nữa.


Còn ông Võ Văn Kiên, 52 tuổi, nhà nghèo, không đất sản xuất, phải đi làm thuê kiếm sống. Năm 2011, được anh Lê Hoàng Vinh, Trưởng ấp Ô Rồm cho mượn 1 công đất rẫy để ông Kiên trồng màu và giúp tiền mua giống, phân bón và thuốc trừ sâu. Ông Kiên không quản ngại khó nhọc, trồng màu quanh năm, nhờ đó, đến nay cuộc sống gia đình ông Kiên đã được cải thiện. Bản thân ông Kiên luôn là người tiên phong vận động một số bà con nghèo trong ấp tranh thủ lúc rảnh rỗi, sửa chữa những chỗ sạt lở, ổ gà, bảo dưỡng đường giao thông trong ấp.


Người vi phạm biết sửa đổi, người nghèo biết chăm chỉ làm ăn; ban, ngành, đoàn thể địa phương đồng lòng, nên chỉ sau một năm, Ô Rồm đã đạt danh hiệu ấp văn hóa, ấp an toàn về an ninh trật tự. Thành quả này có phần đóng góp không nhỏ từ mô hình câu lạc bộ “bốn giảm, ba giữ”. Mô hình này cũng đang được xã Châu Điền nhân rộng ra các ấp, nhằm hoàn thành chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào năm 2015.


Bài và ảnh: Phúc Sơn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN