Hạnh phúc không thể để dành

Chị là người phụ nữ của gia đình. Trong công việc, chị chỉ “thường thường bậc trung”, không nổi trội, cũng chẳng yếu kém, thế nhưng xét về gia đình, chị là tấm gương kiểu mẫu.

Anh là trưởng phòng kinh doanh một công ty đang ăn nên làm ra, con gái lớn của họ sắp vào đại học, cậu út học lớp 6 ở một trường có tiếng thành phố.

Ảnh internet


“Nếp”, “tẻ” đầy đủ, con cái khôn ngoan, kinh tế khấm khá, chẳng phải quá hạnh phúc còn gì. Thế mà 10 thầy đều phán chị “số khổ”. Cái dáng chị đi cứ chúi về phía trước, hấp tấp, hớt hải “thường trực” như “điềm báo” chẳng lúc thảnh thơi.

Đúng là chị chẳng thể nhàn hạ được một giây phút nào. Sáng 5h30 chuẩn bị điểm tâm, rồi quay ra đánh thức bọn trẻ, giục chúng ăn uống để kịp đến trường, xong dẹp dọn qua loa, quét cái nhà, lau cái bàn thì tới giờ đi làm. Chiều tan sở, tất tả tạt ngang chợ, siêu thị mua cái gì đó, về lúi húi trong bếp nấu nướng. Bữa tối xong thì lại tắm rửa, giặt giũ, phơi phóng.

Cái vòng luẩn quẩn chợ búa - đi làm - nấu nướng - dọn dẹp cứ cuốn chị đi như một điệp khúc lặp lại đều đặn mỗi ngày. Song, chị thấy yêu điệp khúc đó, không chút phàn nàn.

Anh có lần bảo thuê ôsin để chị được nghỉ ngơi nhưng chị lại nghĩ khác. Bữa cơm mỗi ngày có nóng sốt, chồng con áo quần có thơm tho nếu không do tự tay mình làm thì còn gì hạnh phúc.

Dù để đổi lấy hạnh phúc nhỏ nhoi ấy, chị phải cực kì “chi li”, cắt xén thời gian, đi muộn về sớm hơn đồng nghiệp; có đám tiệc hay cuộc gặp gỡ thì vội vàng đến, vội vàng đi để kịp giờ đón con...

Một buổi tối, chị đang tẩn mẩn rửa từng cái chén, cái đĩa thì giọng anh vọng vào: “Bỏ đó chút đi em, lên xem tin tức này”.

Xem thời sự lúc 7 giờ tối không phải là thói quen của chị vì đó là “giờ vàng” để dọn dẹp, nhưng bữa nay chị cũng lên ngồi cạnh anh.

Trên tivi là cảnh hoang tàn, đổ nát ở Nhật Bản sau trận động đất, sóng thần khủng khiếp. Nhiều thị trấn bị xóa sổ, hàng trăm ngàn người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, người chết và mất tích tính bằng con số chục ngàn. Chị thấy tim mình thắt lại.

Đêm đó, chị gặp ác mộng. Trong cơn mơ, chị thấy mình đang ở tâm chấn Sendai. Đất nứt thành những rãnh lớn dưới chân, từng con sóng dữ tợn đuổi sau lưng, xô tàu thuyền, xe cộ, nhà cửa...

Chị nhắm mắt, chỉ biết chạy và chạy. Chị thấy anh và các con đang đứng trên nóc một ngôi nhà, nét mặt hoảng loạn. Chị giơ tay, nắm lấy bàn tay rắn chắc của anh, đôi tay yếu đuối của con, cầu cứu. Nhưng không kịp nữa, bàn tay chị như mất hút giữa dòng nước cuồn cuộn, đục ngầu. Chị vùng vẫy, vùng vẫy và... “rầm”, chân trái đập vào thành giường, chị choàng tỉnh. Anh nằm cạnh, vẫn khò khò say ngủ.

Chẳng động đất, chẳng sóng thần và cũng chẳng có ngày tận thế như đồn thổi nhưng cả buổi sáng, chị thấy người cứ liêu xiêu như dư chấn mấy độ richter đang dưới chân mình. “Nếu nhà mình đang ở tâm chấn...”.

Rõ là vớ vẩn nhưng cái ý nghĩ ấy cứ ám ảnh chị. Cuộc sống là vô thường. Không bi quan, yếm thế nhưng đúng là chẳng ai đoán được điều gì đang chờ mình phía trước.

Có thể là hạnh phúc, là đau khổ hoặc có thể sẽ chẳng là gì nếu ngày mai không đến. Chị bỗng nghĩ tới những kế hoạch của mình (chị có thói quen vạch những kế hoạch dài hơi): “Đợi thằng út vào đại học, khỏi phải đưa rước mỗi ngày, mỗi sáng em sẽ đi bộ trong công viên với anh”; “Khi nào lo cho 2 đứa học hành xong, ổn định mọi thứ, vợ chồng mình sẽ đi châu Âu một chuyến”...

Mỗi lần anh muốn rủ chị đi đâu đó, chị luôn hẹn, luôn để dành việc tận hưởng cuộc sống cho một ngày ở thì tương lai, khi trách nhiệm được trút bớt. Hình như lâu rồi, chị đã quen sống cho cái ngày-trong-mơ ấy.

“Cuối tuần này nhà mình đi Mũi Né nha anh. Tự dưng em thèm gió biển quá”. Chị gửi tin nhắn cho chồng, biểu tượng lá thư nhấp nháy báo hiệu anh đã nhận được.

Có lẽ anh đang bất ngờ, không hiểu chuyện gì. Nhưng chị thì biết. Chị nhận ra hạnh phúc không nằm ở những kế hoạch hoàn hảo trong thì tương lai. Hạnh phúc là những ngày đang sống. Hạnh phúc thì không thể để dành...

Theo PNVN
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN