Hàng thuần Việt khó vào siêu thị

Nhờ lợi thế giá cả ổn định, đảm bảo những tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm… kênh bán hàng ở các siêu thị đang thu hút ngày càng nhiều người tiêu dùng đến mua sắm. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp (DN), nhà phân phối nào cũng may mắn nhận được cái “gật đầu” đồng ý hợp tác của siêu thị.

 

Vào siêu thị rồi lại bị quăng ra


Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến nay, tỷ trọng hàng Việt trong một số siêu thị đã đạt từ 80 - 90%. Thị hiếu người tiêu dùng có sự thay đổi đáng kể khi hiện nay 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Tuy nhiên, hàng Việt chiếm tỷ lệ lớn trong các siêu thị hiện nay là hàng hóa của các công ty đa quốc gia đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc hàng của các công ty liên doanh. Đáng lưu ý là tỷ lệ hàng thuần Việt tại các siêu thị (do các DN vừa và nhỏ trong nước sản xuất) có mặt tại các siêu thị chỉ chiếm tỷ trọng hết sức khiêm tốn.


 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn đưa hàng vào siêu thị. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

 

Có thâm niên hơn 10 năm sản xuất các mặt hàng gia vị, thực phẩm…, DN của chị Nguyễn Thị H. ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh vẫn “đau đáu” với giấc mơ sản phẩm được len chân vào hệ thống siêu thị. Cả thời gian dài, chị “bôn ba” đáp ứng đủ loại giấy tờ của siêu thị nhằm đảm bảo những tiêu chuẩn hàng hóa, xuất xứ rõ ràng… Chị H. cho biết, DN vừa và nhỏ rất khó đáp ứng tất cả các tiêu chí của các siêu thị, nhất là về năng lực phát triển sản phẩm, rồi có các chiến dịch khuyến mãi giảm giá, quảng bá truyền thông thương hiệu tạo sức hút…”, chị H. cho hay.


Tương tự, DN chuyên sản xuất các mặt hàng gia dụng của anh Trương Tuấn D. ở quận 5 cũng đang chật vật tìm đường vào hệ thống các siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Điều anh đang “đau đầu” nhất hiện nay không phải việc đáp ứng các điều kiện thủ tục mà là phải làm sao duy trì tiềm lực tài chính để thuê những vị trí “bắt mắt” tại các siêu thị. “Hầu hết các siêu thị chỉ cho các DN thuê vị trí trong thời gian 1 năm, sau thời gian này doanh nghiệp lại tiếp tục cạnh tranh khốc liệt với DN khác cùng ngành hàng để có vị trí đẹp”, anh D. cho hay.


Thực tế trên cho thấy, sức cạnh tranh của các DN nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, có một vấn đề khác, các siêu thị đang có sự ưu tiên hơn dành cho hàng hóa của các DN đa quốc gia. Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết: Cái khó của hàng thuần Việt hay hàng hóa của DN nhỏ và vừa khi vào siêu thị là rất khó cạnh tranh với hàng hóa của công ty đa quốc gia hoặc là hàng hóa của các công ty liên doanh sản xuất tại Việt Nam. Nếu nhà phân phối nào ưu tiên bán hàng của các tập đoàn đa quốc gia thì hàng thuần Việt sẽ không còn có chỗ đứng, hoặc là “cứ đi vào siêu thị rồi lại bị quăng ra”.

 

Tăng sức cạnh tranh cho DN nhỏ và vừa


Lý giải điều này, đại diện hệ thống siêu thị Saigon Co.op cho biết, để có thể nhanh chóng đưa hàng vào siêu thị, ngoài những tiêu chuẩn thông thường, các nhà cung cấp nên đưa ra các sản phẩm có ưu điểm vượt trội về giá hoặc tính năng. Các siêu thị do số lượng quầy kệ có hạn nên thường có xu hướng ưu tiên những nhãn hàng có doanh số ổn định, thị phần tăng trưởng cao và đã tạo được niềm tin của người tiêu dùng. Hàng của các công ty đa quốc gia hoặc liên doanh thường đáp ứng tốt các tiêu chí này. Trong khi đó, hàng hóa do các DN vừa và nhỏ trong nước sản xuất thường không ổn định, chậm nắm bắt xu hướng thị trường. Do sản phẩm không đảm bảo cung cấp một cách ổn định về chất lượng và số lượng cũng như các yếu tố cạnh tranh kèm theo nên siêu thị rất khó hỗ trợ lâu dài cho hàng thuần Việt.


Nhiều ý kiến cho rằng, các siêu thị nội nên ưu tiên nhiều hơn cho hàng nội. Nhưng bà Vũ Kim Hạnh cho biết, một số siêu thị mặc dù rất muốn hỗ trợ cho hàng thuần Việt, như hệ thống CoopMart nhưng cũng khó làm mạnh vì bản thân các siêu thị trong nước như Fivimart, SaiGon Coop… còn phải cạnh tranh với các siêu thị ngoại BigC, Metro…


Hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn. Để tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa đưa hàng vào siêu thị, bà Lê Việt Nga, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết, cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ hàng Việt vào các siêu thị Việt Nam cũng như đưa hàng Việt vào các chợ truyền thống; xây dựng chương trình kết nối giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối, đại lý trong nước cũng như có những chính sách hỗ trợ cụ thể để mở rộng độ bao phủ hàng hóa, tăng hiện diện của hàng Việt trên thị trường trong nước.


“Nhà nước cần hỗ trợ và có các chương trình hỗ trợ quảng bá thương hiệu và đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng kinh doanh cho các doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; cung cấp thông tin về thị trường, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh…”, bà Nga đề nghị.


Thu Hường - Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN