Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 -NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc, sự nghiệp giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và đã có nhiều chuyển biến vượt bậc.
Hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy, học. Tỷ lệ huy động học sinh đến trường tăng cao, tỷ lệ bỏ học giữa chừng giảm mạnh. Hệ thống giáo dục chuyên biệt ngày càng phát huy hiệu quả tích cực.
Ngành Giáo dục đã triển khai việc giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số trong nhà trường tại 22 tỉnh thành với 6 thứ tiếng, gồm: Mông, Chăm, Khmer, Gia rai, Ba na, Ê đê. Công tác xóa mù chữ, tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực liên quan đến việc huy động các nguồn lực cho giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; việc phổ cập xóa mù chữ; chính sách giáo dục đào tạo đối với đồng bào Mông; về đảm bảo nhu cầu học tập đối với các khu vực dân di cư không theo quy hoạch; việc phân luồng học sinh sau cấp trung học cơ sở; công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là người đồng bào dân tộc thiểu số…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Hai kết quả nổi bật nhất sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 -NQ/TW là chất lượng giáo dục đại trà được cải thiện, nâng cao rõ rệt. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú đã khẳng định được vị thế, hiệu quả bằng việc đào tạo ra nhiều học sinh có trình độ, năng lực tốt.
Tuy nhiên, giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn: Cơ sở vật chất còn hạn chế; cơ chế, chính sách cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn vẫn chưa thực sự phù hợp với thực tế. Việc thực hiện chính sách sáp nhập, tinh giản hệ thống trường lớp hiện nay phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, cần sớm được giải quyết…
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ngành Giáo dục sẽ tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số chính sách giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng thiết thực, hiệu quả. Việc điều chỉnh, bổ sung sẽ tạo nên một hệ thống chính sách căn cơ đưa giáo dục, đào tạo khu vực này vượt “trũng” như thực tế hiện nay.
Việc xây dựng, thực hiện các chính sách giáo dục đối với khu vực này sẽ được giám sát bởi Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Các trọng tâm bao gồm: Nâng cao chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực, giải quyết tình trạng học sinh bỏ học, tình trạng thiếu giáo viên triền miên ở một số tỉnh, tình trạng tái mù chữ và giáo viên được đào tạo chưa bài bản ở một số địa phương…
“Việc phát triển giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ giúp các em học sinh có cơ hội học tập, hòa nhập với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Chúng tôi coi đây là nền tảng, cơ sở để giải quyết các vấn đề khác của khu vực này, từ phát triển kinh tế - xã hội đến củng cố quốc phòng - an ninh. Phát triển giáo dục được coi là gốc rễ của vấn đề” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển nguồn nhân lực, thông qua đó góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.
Ủy ban Dân tộc cho rằng các chính sách đối với khu vực này cần sát với thực tế và được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, như việc thực hiện sáp nhập, tinh giản hệ thống trường lớp; việc hoạt động của các trường phổ thông dân tộc nội trú, chính sách cử tuyển, mô hình giáo dục nội trú…
Việc tổ chức hội thảo là dịp để đánh giá, đúc kết cũng như tổng hợp các ý kiến, đề xuất liên quan để điều chỉnh, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.