Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN. |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, trong giai đoạn 2006 - 2016, tỉnh đã giao, tạm giao cho cộng đồng và nhóm hộ gia đình là người dân tộc thiểu số 8.065 ha rừng, trong đó đất có rừng 6.385 ha, đất không có rừng là 1.680 ha. Tuy nhiên, đến tháng 11/2016, số diện tích đất rừng này đã bị mất 5.781 ha, chiếm 69,5% diện tích rừng được giao để quản lý, bảo vệ. Số rừng bị mất này làm cho độ che phủ của rừng tại Đắk Nông giảm mạnh từ 55,5% (năm 2006) xuống còn 38,8% (năm 2016). Những diện tích đất rừng bị mất do người dân chặt phá, lấn chiếm... để lấy đất sản xuất và rừng bị mất một thời gian dài trước thời điểm Đắk Nông thực hiện tổng kiểm kê rừng năm 2014.
Tại các khu rừng đã giao, rừng bị mất 3.873 ha/5.723 ha (chiếm 67,9% rừng quản lý bảo vệ). Diện tích rừng bị mất tập trung tại các huyện Krông Nô, Tuy Đức và Đắk Glong, trong đó huyện Đắk Glong bị mất nhiều nhất với 2.057 ha trong tổng số 2.470 ha rừng được giao. Tại các khu rừng tạm giao, rừng giao cho cộng đồng dân cư quản lý bị mất hơn 73% với 1.908 ha trong tổng số 2.470 ha rừng được giao.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cho rằng, nguyên nhân để mất rừng với số lượng lớn thời gian qua là do áp lực của dân di cư không theo quy hoạch; lực lượng quản lý, bảo vệ rừng một số khu vực còn mỏng; cơ chế hưởng lợi của người giữ rừng còn thấp; đất rừng và rừng giao cho cộng đồng dân cư chủ yếu là rừng nghèo kiệt, địa hình phức tạp nên công tác bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn; đề án giao rừng, cho thuê rừng một số thời điểm không có kinh phí thực hiện...
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cũng đã thừa nhận những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong quá trình triển khai giao đất giao rừng cho các cộng đồng dân cư, đó là quá trình triển khai giao đất, giao rừng chưa tốt, chưa áp dụng đúng quy trình dẫn đến số liệu hiện trạng rừng, đất rừng chưa đúng với thực tế và đã phát sinh việc tranh chấp đất đai tại một số địa phương; công tác tổ chức và tuyên truyền còn chưa thực sự đem lại hiệu quả...
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đề xuất với Đoàn giám sát của Quốc hội một số vấn đề để giảm thiểu mất rừng thời gian tới như: Đề nghị bố trí kinh phí để thực hiện các dự án ổn định dân di cư không theo quy hoạch; có cơ chế hưởng lợi lớn hơn cho người giữ rừng; cần cơ chế giao rừng cho cộng đồng với đầy đủ các quyền sử dụng rừng bền vững, thương mại về rừng để tạo động lực cho chủ rừng...
Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, Đắk Nông cần nâng cao thu nhập cho các hộ dân cư và đồng bào dân tộc thiểu số, bởi đây là cốt lõi của vấn đề giữ rừng, cần bố trí nguồn vốn hợp lý cũng như xây dựng các nguồn kinh phí hỗ trợ các nhóm hộ, chủ rừng để công tác giữ rừng ngày càng được nâng cao.