Khèn Mông gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc Mông. Khèn được thổi lên trong đám tang để tỏ lòng xót thương, luyến tiếc người quá cố; trong vui chơi để thi tài, thể hiện tình yêu đôi lứa và bộc lộ ý chí, nghị lực của người con trai trong sinh hoạt cộng đồng... Dịp lễ, hội, các chàng trai người Mông tổ chức thi tài thổi khèn Mông. |
Khèn Mông đã trở thành một nhạc cụ quan trọng đối với đời sống tinh thần của dân tộc Mông. Với người Mông, cây khèn mang ý nghĩa sâu sắc, đó là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, là tâm hồn, bản sắc của dân tộc. Du khách đến bản người Mông, thưởng thức nhạc điệu khèn Mông của các chàng trai thổi gọi bạn tình say đắm, tâm hồn sẽ trở nên dịu nhẹ, âm thanh du dương. Tiếng khèn Mông thể hiện chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, khỏe khoắn. Những âm thanh của loại nhạc cụ này mang vẻ đẹp tự nhiên của vùng cao bao la, hùng vĩ, nét tươi sáng và giản dị của tâm hồn người Mông.
Chọn được chàng trai vừa ý, cô gái Mông say đắm hòa nhịp cùng tiếng khèn của người tình. |
Các chàng trai Mông phô diễn tài năng vừa thổi khèn, vừa múa, say đắm lòng người. |
Để bảo tồn nét đẹp văn hóa khèn Mông, trong các tiết mục văn nghệ, đều được sân khấu hóa “múa khèn Mông bên bạn tình”.
|
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, thay đổi của đời sống xã hội, sự mai một về văn hóa cũng diễn ra trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nói chung và cộng đồng dân tộc Mông nói riêng. Trong những lễ hội truyền thống mang tính sinh hoạt cộng đồng, nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ như: múa khèn, thổi khèn, hát dân ca... đã bị bỏ hoặc thực hiện rất sơ sài, mang nặng về hình thức. Nhiệm vụ đặt ra cho các cấp chính quyền có đồng bào dân tộc Mông sinh sống là cần có biện pháp gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống khèn Mông.
Bài và ảnh: VH