Ngọt ngào tiếng khèn Mông ngày xuân

Mùa xuân, khi hoa mơ, hoa đào hé nở cũng là lúc tiếng khèn của người Mông vùng cao Pác Nặm (Bắc Kạn) vang xa giữa đại ngàn núi rừng. Đó là những bản nhạc tình ca mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, là lời tâm sự, lời nhắn nhủ lòng yêu thương của chàng trai với cô gái mà mình yêu thương.

Đôi vợ chồng trẻ bên chiếc khèn Mông.

Lâu nay, tiếng khèn là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Mông. Với người Mông, ở đâu có sự sống, ở đó có tiếng khèn và ở đâu có tiếng khèn cũng sẽ có cuộc sống vui tươi, thanh bình. Tiếng khèn mang lại sức mạnh thể chất và tinh thần của người đàn ông Mông. Vì thế, ngay từ khi còn trẻ, các chàng trai Mông đã bắt đầu lắng nghe và đi theo tiếng gọi của khèn. Với họ, cây khèn không chỉ là nhạc cụ thân thiết, gần gũi với cuộc sống thường ngày mà mặc nhiên trở thành nét biểu trưng cho văn hóa cộng đồng cần được giữ gìn cho muôn đời sau.

Trong Hội Xuân của người Mông ở Pác Nặm, từng tốp trai gái với váy áo tinh tươm, sặc sỡ rủ nhau đi hội. Trên tay các chàng trai không thể thiếu chiếc khèn. Cây khèn luôn là người bạn đường chung thủy của các chàng trai Mông, nó được xem là công cụ chính trong mỗi lần biểu diễn. Tiếng khèn giúp họ kết đôi, xây dựng gia đình hạnh phúc. Vào ngày Hội Xuân, không chỉ có các chàng trai ở Pác Nặm mà còn có các chàng trai ở vùng lân cận cùng mang khèn sang góp vui, tạo nên một không khí nhộn nhịp, âm thanh khèn Mông vang vọng khắp núi rừng.


Chị Nông Thị Thỏa, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm cho biết: “Hội Xuân năm nào tôi cũng tham gia, hy vọng tìm cho mình một chàng trai thổi khèn hay, múa đẹp. Năm nay, tôi đã tìm được hạnh phúc cho mình rồi. Hội Xuân mà thiếu tiếng khèn Mông thì coi như không còn hội nữa rồi. Tiếng khèn ngân xa, du dương như mê hoặc lòng người, thúc giục bước chân của những đôi trai gái tìm đến với nhau, nó làm ta quên hết mệt mỏi sau một năm làm việc”.


Men theo triền núi, chúng tôi đến ngôi nhà của anh Lý Văn Dinh, một trong số những người am hiểu rất rõ về văn hóa của người Mông ở xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm. Giữa núi rừng mênh mông, sương giăng khắp bản, tiếng khèn của anh Dinh vang lên như mê hoặc lòng người, làm xua tan bớt cái lạnh thấu xương nơi núi rừng.


Anh Lý Văn Dinh cho biết: “Chiếc khèn này là “bảo vật” mà tôi giữ gìn từ thời trai trẻ. Nó chính là vật se duyên của vợ chồng tôi”.


Thuở thanh xuân, vợ chồng anh Dinh được xem là đôi “trai tài, gái sắc”, anh biết thổi khèn Mông, chị biết thổi kèn lá. Vợ anh Dinh quê tận huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng), được người quen giới thiệu rồi cảm mến nhau qua tiếng khèn, điệu hát mà nên duyên vợ chồng. Lập gia đình rồi nhưng mỗi dịp xuân về hay ngày hội của thôn, vợ chồng anh Dinh vẫn hòa tiếng khèn, lời hát. Như gợi cho chúng tôi về những kỷ niệm đẹp của hai người, vợ anh Dinh ra vườn ngắt chiếc lá, cùng hòa nhịp một bài hát mà họ vẫn biểu diễn chung:


“…Lên vùng cao mùa xuân sang đẹp lắm
Ngắm hoa đào hoa ban nở, đi hội xuân
Xem chàng trai Mông múa điệu khèn
Ngả nghiêng trời đất.
Lên vùng cao phiên chợ đông vui quá.
Em gái Mông đôi má ửng hồng gùi mùa xuân xuống chợ
Lúng liếng lúng liếng đôi mắt em trao tình
Cho anh say, cho anh say
Say sắc hương mùa xuân vùng cao…”


Gần nhà anh Dinh có “nghệ nhân” Nông Văn Tụ, người biết chế tạo khèn Mông, biết thổi rất nhiều bản nhạc hay. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, chân đã yếu, mắt không còn tinh nhưng cái “máu” nghệ sỹ vẫn cháy rực trong tim của lão nông này. Ông Tụ chia sẻ: “Cái khó là vừa phải ngậm khèn để thổi, vừa thực hiện những điệu nhảy, điệu múa xoay vòng liên tục mà tiếng khèn vẫn không bị lạc nhịp. Vì vậy, người thổi và múa khèn phải có lòng kiên trì và đam mê loại hình nghệ thuật này”.


Đến nay, tuy không thể vừa thổi khèn vừa múa những động tác khó như trước nhưng ông Tụ vẫn thường lui tới những lễ hội để được hòa mình trong âm sắc của các điệu khèn trữ tình. Ông luôn tìm cách truyền dạy cách chế tác và thổi những bài nhạc cho thế hệ trẻ. Ông Tụ cho rằng, đó là cách giữ gìn tốt nhất những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Ánh mắt của ông cũng thoáng buồn, lớp trẻ giờ ít người mặn mà với cây khèn Mông. Những người biết làm khèn và thổi những bản nhạc, những điệu nhảy cổ truyền đều đã có tuổi. Họ không thể cứ đi hết hội xuân này đến hội xuân khác, đôi chân họ cũng đã mỏi. Ông Tụ chỉ mong sao những giá trị văn hóa của cây khèn, những câu hát, những điệu nhảy sẽ tồn tại mãi với người Mông, với bản làng.

 

Bài và ảnh: Đức Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN