Ném còn không chỉ là một hoạt động vui chơi ngày xuân mang tính cộng đồng, mà thông qua trò chơi này còn là dịp để trai gái tìm hiểu giao lưu với nhau. Đây là một truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Mường nơi đây.
Không biết từ bao giờ, tục ném còn đã được lưu giữ trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường ở xã Tân Lập, cứ Tết đến xuân về, đồng bào Mường ở xã lại tổ chức ném còn. Bà Đinh Thị Thanh Loan, dân tộc Mường, xã Tân Lập cho biết, từ nhỏ, bà và các thiếu nữ trong làng đã được bà, mẹ dạy may vá, thêu thùa và truyền lại cách làm còn.
Để có quả còn chơi xuân đẹp, bắt mắt, người phụ nữ cần chuẩn bị sưu tầm những mảnh vải đẹp, màu sắc rực rỡ, phối màu xanh, đỏ, tím, vàng. Sau khi có đủ các loại vải, họ cắt một miếng vải hình vuông, chụm 4 góc vào nhau, sau đó khâu kín ba đường, còn một đường khi nhồi hạt xong mới khâu, khi khâu phải theo múi ghép nối vào nhau. Kích thước quả còn to bằng quả cam lớn, có hình tròn và có tua rua được khâu đều từ quả còn đến dây còn.
Theo bà Loan, quả còn khâu tua rua 4 góc tượng trưng cho bốn phương trời, tua rua cuối dây còn và dưới quả còn là chỉ thiên - địa. Càng có nhiều tua đủ các màu càng may mắn. Những tua nhiều màu sắc có ý nghĩa tượng trưng cho sự phong phú của vũ trụ, những tia nắng, tia mưa, cầu mong mưa thuận gió hòa, cho một năm mới mùa màng bội thu. Dây còn làm bằng vải bền chắc.
Bên trong quả còn nhồi các loại hạt như hạt thóc, hạt bông , vì theo đồng bào Mường quan niệm thóc nuôi sống con người, bông cho sợi dệt vải. Đây cũng là cách họ dạy con cháu luôn nhớ về nguồn cội, tổ tiên. Do đó, việc khâu còn không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn mang giá trị tâm linh sâu sắc.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, xưa kia trai, gái dân tộc Mường đi làm đồng, cày cấ y thường tung các bó mạ cho nhau, từ đó xuất hiện tục ném còn và quả còn không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết. Năm nào cũng vậy, phụ nữ trong bản lại làm còn để chơi Tết, đón Xuân. Đây là nét văn hóa truyền thống của người Mường gắn với nền nông nghiệp lúa nước. Khi đã có đủ những quả còn sặc sỡ, cả bản lại cùng nhau ra sân ném còn. Các chàng trai, cô gái tay cầm dây còn, quay vài vòng rồi tung lên. Quả còn bay vút những dây ngũ sắc trông rất đẹp mắt.
Bên ném, bên bắt những quả còn lên xuống nhịp nhàng, lặp đi lặp lại mà không chán, hòa chung tiếng hò reo cổ vũ, tạo nên không khí vui tươi, nhộn nhịp. Người ném quả còn bay cao và nếu khéo léo ném quả còn qua vòng tròn - vòng tượng trưng cho mặt trời sẽ mang đi rủi ro của năm cũ. Sau khi quả còn được ném lên cao sẽ rơi xuống, người bắt được còn là đón lấy may mắn, tốt đẹp cho một năm mới an khang, thịnh vượng. Cứ thế, ném còn và chơi còn như một sợi dây gắn kết cả cộng đồng. Cũng từ những hội chơi còn ngày Xuân, bao đôi trai gái đã kết duyên nên vợ chồng.
Bên cạnh tính văn hóa, trò chơi tung còn cũng có tính thể thao, rèn luyện cho người chơi sự tinh tế, khéo léo, duyên dáng, nhẹ nhàng. Việc tung, bắt thể hiện sự hòa hợp của đất trời, đượm tính nhân văn và thể hiện mối giao kết bền vững. Không chỉ là trò vui tranh tài, giao duyên mà ném còn chứa đựng cả ý nghĩa phồn thực thể hiện khát vọng sinh tồn, sinh sôi, nảy nở vượt lên trên bầu trời tự do và mong ước gìn giữ những điều tốt đẹp cho mai sau. Với những ý nghĩa đó, trò chơi ném còn tồn tại bao đời nay theo dòng chảy thời gian và cuộc sống bình dị của đồng bào Mường nơi đây.
Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Thanh Sơn Hoàng Minh Đức cho hay, nhằm duy trì nét đẹp văn hóa ném còn của đồng bào Mường, huyện đã khuyến khích các địa phương đưa trò ném còn vào các phong trào ngày hội văn hóa thể thao để mọi người có thể cùng nhau thi tài. Đồng thời, địa phương động viên người cao niên trong bản làng tích cực truyền dạy phương pháp làm quả còn, tạo cho thế hệ trẻ niềm đam mê ngay trong cuộc sống thường nhật.