Dự thảo Luật Tiếp công dân cần được “gia công” kỹ hơn

Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã trao đổi với phóng viên Báo Tin tức về những điều cần được chỉnh sửa trong Dự án Luật Tiếp công dân, đang được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII:


“Theo tôi, Dự án Luật Tiếp công dân cần phải được “gia công” kỹ lưỡng hơn mới có thể đáp ứng được mục tiêu đổi mới toàn diện và nâng cao hiệu quả của công tác tiếp công dân, khắc phục được những hạn chế của các quy định hiện hành cũng như trong thực tiễn tổ chức hoạt động tiếp công dân hiện nay.


Trước tiên, đối tượng áp dụng của văn bản cần được xác định rõ. Dự thảo luật hiện nay đưa ra rất nhiều đối tượng nhưng lại chưa bảo đảm sự đầy đủ, chính xác. Dự thảo chưa thể hiện rõ cá nhân, tổ chức nước ngoài có thuộc đối tượng áp dụng của luật này hay không. Với tên gọi của văn bản là “Luật Tiếp công dân” thì đối tượng áp dụng chỉ là công dân Việt Nam mà không bao gồm cá nhân, tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, những người nước ngoài làm việc, cư trú tại Việt Nam có khiếu nại về đất đai cũng cần được tiếp đón để giải quyết vấn đề vướng mắc cho họ.


Trong dự thảo Luật Tiếp công dân cũng quy định về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cụ thể, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất một ngày trong một tháng, trừ trường hợp tiếp công dân đột xuất. Chủ tịch UBND cấp huyện phải trực tiếp tiếp công dân ít nhất hai ngày/tháng. Chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân ít nhất một ngày/tuần. Người đứng đầu các bộ, sở, ngành khác trực tiếp tiếp công dân ít nhất một buổi trong một tháng, trừ trường hợp tiếp công dân đột xuất...


Nếu những người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện được đúng lịch tiếp dân như quy định này thì rất tốt. Nhưng thực tế, những người đứng đầu đơn vị thường rất bận nên việc luật quy định như trên là chưa linh hoạt và hiệu quả. Theo tôi, cần có sự phân cấp đơn vị chuyên môn trực tiếp tiếp công dân, đồng thời giải quyết hoặc định hướng giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân. Với những vụ việc đặc biệt, Chủ tịch UBND từng cấp hoặc người đứng đầu đơn vị sẽ trực tiếp tiếp dân và đưa ra hướng giải quyết nhanh chóng cho vấn đề mà người dân muốn kiến nghị, khiếu nại ngay tại buổi tiếp...”.


M.Phương - P. Liên (ghi)

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII: Tiếp tục thảo luận một số dự án luật
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII: Tiếp tục thảo luận một số dự án luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 29/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tiếp công dân và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN