Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII: Tiếp tục thảo luận một số dự án luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 29/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tiếp công dân và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh.

 

Đổi mới toàn diện hoạt động tiếp công dân


Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Tiếp công dân gồm 10 chương, 61 điều, quy định về việc tổ chức, hoạt động tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người tiếp công dân; quản lý công tác tiếp công dân; điều kiện bảo đảm hoạt động tiếp công dân.


 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) phát biểu ý kiến về dự án Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

 

Tán thành với sự cần thiết ban hành dự án Luật Tiếp công dân, tuy nhiên các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án luật còn băn khoăn về việc mặc dù dự thảo luật đã cụ thể hóa nhiều nội dung liên quan đến hoạt động tiếp công dân, bổ sung quy định về tiếp công dân của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và một số cơ quan nhà nước khác, song nhìn chung các quy định chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới một cách toàn diện về tổ chức, hoạt động tiếp công dân, khó có thể khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay, góp phần làm cho công tác tiếp công dân bảo đảm hiệu quả, tránh hình thức.


Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự án luật là quá rộng, dự án luật chỉ nên giới hạn quy định về hoạt động tiếp công dân của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là những cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị; không nên quy định trách nhiệm tiếp công dân của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, bởi vì các tổ chức, đơn vị này không trực tiếp tham gia quản lý nhà nước, đồng thời luật cũng không xác định đây là các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo nếu có cũng chỉ mang tính nội bộ, đặc thù. Việc tiếp công dân, hội viên, thành viên của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, nên để các tổ chức này tự quy định trong điều lệ, quy chế hoạt động của tổ chức mình, nếu thấy cần thiết.

 

Giảm thuế để thu hút đầu tư


Đa số các đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn; khuyến khích, thu hút đầu tư; phát triển kinh tế phù hợp với tình hình thực tiễn.


Đối với quy định về thuế suất, các đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Mai Hữu Tín (Bình Dương), Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) tán thành với quy định về giảm thuế suất và lộ trình giảm thuế suất như dự thảo luật: Giai đoạn 2014 - 2015 áp dụng thuế suất phổ thông là 22%; đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có tổng doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm, sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian, áp dụng mức thuế suất 20%. Một số trường hợp áp dụng thuế suất từ 32% đến 50% giao Chính phủ quy định chi tiết. Những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% trong giai đoạn 2014 - 2015 chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 1/1/2016. Các đại biểu cho rằng quy định như vậy là bảo đảm phù hợp với Chiến lược cải cách thuế, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích lũy vốn, mở rộng sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh, đẩy mạnh, khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.


Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng mức giảm thuế suất như dự án luật còn cao. Các đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị giảm mức thuế xuống còn 20% không phân biệt quy mô doanh nghiệp. Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng, nên giảm mức thuế suất xuống còn 18% đối với các doanh nghiệp mới thành lập...


Nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về định nghĩa: "Doanh nghiệp vừa và nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng, sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian". Dẫn chứng từ Nghị định 56/2009/NĐ - CP về doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) cho rằng, hai tiêu chí trên mới chỉ phù hợp với "doanh nghiệp nhỏ" chứ không thể coi là "doanh nghiệp vừa" được.


Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang), Mai Hữu Tín (Bình Dương), Dương Trung Quốc (Đồng Nai), Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng nên bỏ quy định về mức khống chế chi phí được trừ đối với chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại... ngay trong dự án luật để giao quyền chủ động cho doanh nghiệp.


Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục quốc phòng - an ninh


Nhiều đại biểu đồng tình với báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các ý kiến cũng nhất trí với báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là tách chương V thành ba chương V, VI và VII là hợp lý, để quy định rõ giáo viên, giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên giáo dục quốc phòng và an ninh; kinh phí giáo dục quốc phòng và an ninh; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng - an ninh.


Đối với vấn đề giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí như trong dự thảo Luật là "Thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình, kết hợp với hoạt động ngoại khóa phù hợp với lứa tuổi, để hình thành những cơ sở hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân; ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào", vì đây là việc làm cần thiết nhằm góp phần hình thành nhân cách và đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện ngay từ đầu.


Tuy nhiên, theo đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cần sửa lại nội dung này như sau: "Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình, kết hợp với hoạt động ngoại khóa và hoạt động của Đội thiếu niên tiền phong và của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phù hợp với lứa tuổi, để hình thành những cơ sở hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào". Như vậy, mới phát huy được vai trò của Đội thiếu niên tiền phong và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong trường học.


TTN

Dự thảo Luật Tiếp công dân cần được “gia công” kỹ hơn

Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã trao đổi với phóng viên Báo Tin tức về những điều cần được chỉnh sửa trong Dự án Luật Tiếp công dân, đang được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII:

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN