Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tiến độ và chất lượng các công trình giao thông trọng điểm” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm qua (12/11), Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường cho rằng: Để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm cần tháo gỡ khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Nguy cơ chậm tiến độ
Các công trình trọng điểm quốc gia về giao thông có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Xác định được ý nghĩa đó, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo đảm bảo tiến độ, chất lượng của các công trình này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, một trong những điểm nghẽn lớn nhất thường gặp phải là GPMB.
“Phải xử lý linh hoạt các nguồn vốn sao cho phù hợp, điều hòa nguồn vốn để khi có yêu cầu về vốn giải phóng mặt bằng là phải có ngay, chuyển tiền cho dân để dân ổn định cuộc sống”
Ông Trương Quang Thiều, Trưởng Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng TP Hà Nội. |
Theo thống kê, cả nước có 26 công trình, dự án giao thông trọng điểm với tổng kinh phí đầu tư khoảng 576.484 tỷ đồng. Đến nay, đã có 7 dự án bàn giao và đưa vào khai thác sử dụng. Tuy nhiên, còn có tới 19 công trình đang trong giai đoạn triển khai đầu tư nhưng lại phải đối mặt với nguy cơ “lụt” tiến độ do vướng mặt bằng.
Ông Trương Quang Thiều, Trưởng Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 10 dự án giao thông trọng điểm đang tập trung thực hiện quyết liệt. “Chúng tôi đã bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư đối với 3 dự án lớn là cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, nhà ga T2 Nội Bài và đang chỉ đạo quyết liệt để GPMB các dự án còn lại. Tuy nhiên, còn rất nhiều điểm vướng mắc trong tổ chức tái định cư”, ông Thiều nói.
Đối với dự án đường dẫn cầu Nhật Tân, theo ông Thiều, khối lượng GPMB còn nhiều. “Đến ngày 12/11, còn 14 hộ dân tuy đã nhận tiền đền bù nhưng chưa bàn giao mặt bằng, chủ yếu là những hộ bị cắt xén diện tích, không phải những hộ được tái định cư và di chuyển chỗ ở. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động và chỉ đạo hoàn thiện dự án này”, ông Thiều cho biết.
Tại buổi tọa đàm, đại diện doanh nghiệp, ông Lê Ngọc Hoa, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 (nhà thầu tham gia thi công gói thầu số 1 và số 5 GPMB đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài), cho biết: “Gói thầu số 5 đi qua khu dân cư đông đúc nhất trước sân bay Nội Bài. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội hỗ trợ dân trong công tác tháo dỡ mặt bằng, nhà cửa và các công trình kiến trúc. Việc này làm tăng thêm chi phí đền bù nhưng lại giúp chủ đầu tư có mặt bằng thi công sớm, và như vậy sẽ tiết kiệm được chi phí”.
Giải quyết các điểm nghẽn
Ông Trương Quang Thiều cho rằng, muốn công tác GPMB được thông suốt, cần thiết phải giải quyết được những điểm nghẽn về đền bù tái định cư; xây dựng các kết cấu hạ tầng kỹ thuật; nguồn vốn. Về tái định cư, phải lựa chọn khu tái định cư thích hợp và phải làm trước một bước. Thực tế, các khu tái định cư hiện nay vẫn chưa đáp ứng nguyện vọng của người dân cả về quy hoạch và chất lượng xây dựng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, để giải quyết vấn đề này, Bộ GTVT đã trực tiếp làm việc với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường để đưa ra chính sách đền bù, giải phóng một cách thấu đáo. “Dù công tác GPMB đã giao về các địa phương nhưng trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc phối hợp với các địa phương là rất quan trọng, mang lại hiệu quả về tiến độ GPMB. Chúng tôi đang cùng chính quyền địa phương tìm giải pháp để thực hiện đền bù, hỗ trợ, tái định cư trên tinh thần bằng hoặc là tốt hơn nơi ở cũ”, ông Trường nói.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, năng lực của chủ đầu tư và nhà thầu ảnh hưởng quan trọng đến tiến độ xây dựng của các công trình. Bộ GTVT đã thành lập các Ban quản lý dự án chuyên nghiệp để thực hiện các dự án ở nhiều lĩnh vực. Các Ban quản lý dự án được quan tâm cả về cơ sở vật chất và nhân lực để có thể quản lý tốt các nguồn vốn đầu tư.
Hoàng Dương