Doanh nghiệp nội chồng chất khó khăn, từ ‘sân nhà’ đến ‘sân bạn’ - Bài 3

Trước bối cảnh hội nhập với sức ép cạnh tranh từ nhiều phía, nhiều doanh nghiệp (DN) có thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đã lần lượt bỏ cuộc chơi, không chỉ trên sân nhà mà cả ngay trên sân bạn. Có lẽ, phương thức mua bán và sát nhập (M&A) là con đường duy nhất, bởi nếu không họ sẽ chết hoặc sống “lay lất” trong thua lỗ.

Khó khăn chồng chất

Không phải chỉ mới vài năm nay, DN ngoại mới ồ ạt xâm nhập vào Việt Nam cạnh tranh thị phần thông qua con đường M&A. Thực tế, để có được làn sóng M&A như vậy, các DN ngoại đã nghiên cứu thị trường Việt Nam rất lâu và rất kỹ.


Điều này đồng nghĩa, họ đã nhìn thấy tiềm năng thị trường tại Việt Nam từ rất sớm. Qua đó, họ nắm được tâm lý người Việt thích gì, muốn gì và DN nội thiếu gì, cần gì. Chính vì vậy, bước đi ban đầu của họ phần lớn là hợp tác đầu tư, sau dần mới mua cổ phần của DN nội có thương hiệu lớn mạnh, tiềm năng để thâu tóm thị phần.

DN nội không chỉ bị sức ép trên sân nhà mà ngay cả thị trường xuất khẩu cũng bị cạnh tranh gay gắt. Ảnh minh họa

Trong đó, thị trường ngành bán lẻ và dịch vụ là 2 ngành được DN ngoại “nhòm ngó” nhiều nhất, tiếp đến là thị trường bất động sản. Tuy nhiên, hiện nay ngành nông – hải sản tại Việt Nam cũng đang dần mất chỗ đứng trên thị trường khi hàng ngoại liên tục nhập về với chất lượng và giá cả tốt hơn, rẻ hơn.


Trong tâm sự của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, mới đây trên trang cá nhân của mình, bà cho biết các DN ngoại ngày càng “lấn sân” khiến nhiều DN nội có thế mạnh về thương hiệu ngày càng “lép vế”. Không phải DN nội không chịu phát triển để cạnh tranh nhưng vấn đề là còn nhiều rào cản chưa thể vượt qua được.


DN ngoại thâu tóm DN nội nhiều nhất phải kể đến người Thái, Hàn, Nhật… Họ thâu tóm từ thị trường bán lẻ đến công – nông nghiệp, hải sản. Không chỉ mua cổ phần từ các DN nội mà họ còn xuất khẩu vào Việt Nam những mặt hàng mà Việt Nam vốn đã có thế mạnh, như vải, nhựa, gạo, trái cây...


Không chỉ thua thiệt trên sân nhà, ngay cả thị trường xuất khẩu, những mặt hàng có thế mạnh, có thương hiệu cũng không thể cạnh tranh được với họ. Như mới đây, DN Việt Nam vừa thua trắng cuộc đấu thầu G2P cho 250.000 tấn gạo 25% tấm do Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) mở thầu hôm 22/5 vừa qua.


Nguyên nhân Việt Nam thua thầu do bỏ giá cao hơn các DN Thái Lan. Theo đó, giá gạo Việt Nam loại 25% tấm là 445 USD/tấn, mà giá loại gạo tương tự tại Thái Lan chỉ 406 USD/tấn. Vianfood 2 giải thích, giá gạo trúng thầu của Thái còn thấp hơn giá thành sản xuất gạo Việt Nam. Nguyên nhân chính là do Nghị định 109/2010/CP về kinh doanh xuất khẩu gạo có nhiều rào cản.


Bà Vũ Kim Hạnh cho hay, Nghị định 109 không chỉ “cản mũi” người xuất khẩu mà còn "tiêu diệt" luôn sức sáng tạo của người dân một nước sống chính bằng cơm gạo. Bởi điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo là rất ngặt nghèo: có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; phải xuất khẩu gạo trong thời gian 12 tháng liên tục mới được cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo...


Sau khi Nghị định 109 có hiệu lực, từ hơn 2.000 doanh nghiệp được xuất khẩu gạo nay giảm xuống còn hơn 100 doanh nghiệp được cấp phép. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thực sự tham gia xuất khẩu gạo có thể thấp hơn.


Nhiều DN từ bỏ cuộc chơi


Theo bà Vũ Kim Hạnh, đã có nhiều doanh nghiệp có thương hiệu HVNCLC đã dần từ bỏ “cuộc chơi”, bán từ vài chục đến 100% cổ phần cho DN ngoại. Theo đó, những buổi hội chợ HVNCLC đang ngày càng dần vắng bóng các thương hiệu quen thuộc như Cầu Tre, Kinh Đô, nhựa Bình Minh… “Đã có nhiều, nhiều cuộc chia tay lặng lẽ khác khi chủ doanh nghiệp chuyển qua Mỹ, Úc kinh doanh...”, bà Hạnh chia sẻ.

Nhiều thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao buộc phải bỏ cuộc để nhường sân cho các đối thủ khác. Ảnh minh họa

Nguyên nhân từ bỏ “cuộc chơi” của các DN nội trước các đối thủ ngoại đã thấy, nhưng ngay cả thương hiệu Việt như món Phở Việt lại bị đối thủ ngoại lấy mất và bán chạy nhất ở Hoa Kỳ. Đáng buồn nhất, đối thủ ngoại không ai xa lạ lại chính là người Thái. Thông tin thực tế này vừa được ghi nhận bởi đoàn DN Việt Nam dự Thaifex ngày 31/5 vừa qua, khi họ đến thăm nhà máy công ty CPF (CP Food – thuộc công ty CP, hiện đang mạnh về chăn nuôi ở Việt Nam hiện nay).


Theo đoàn DN Việt Nam, nhà máy này khá hiện đại, có thể coi là đời 4.0 của Thái Lan và đang sắp tự động hoá hoàn toàn. Nhà máy sản xuất hơn 200.000 sản phẩm/ngày mà chỉ có chưa đến 10 công nhân. Lãnh đạo công ty nói, đây là nhà máy nhỏ, cái lớn nhất bây giờ là nhà máy CPF ở Mỹ với sản lượng 2 triệu sản phẩm mỗi ngày.


Hay như hàng nông sản của Việt Nam, mỗi năm các bộ, ngành đều kêu gọi giải cứu khi đến mùa vải thiều, dưa hấu, chuối, ớt, hành… trong khi các nước đang rất cần mà Việt Nam không thể xuất khẩu được do bị rào cản kỹ thuật.


Theo một DN đa quốc gia, mùa vải thiều vừa qua, công ty rất cần, nhất là trái vải đông lạnh để nấu mứt xuất đi châu Âu. Thế nhưng, điều trái ngược là trong khi vải thiều Việt Nam cần giải cứu thì nhà máy của DN này lại phải đi thu mua vải đông lạnh tại Trung Quốc về Việt Nam để sản xuất.


Nguyên nhân chỉ vì nông dân chỉ biết có lợi trước mắt nhưng lại không tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật chăm sóc, trồng trọt; còn các nhà máy sản xuất thì không tuân thủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều lần doanh nghiệp mua về và bị sự cố có ruồi, nhưng khi khiếu kiện thì đơn vị trong nước lại “lơ”, không giải quyết trách nhiệm. Điều này khiến DN đa quốc gia phải chuyển đối tác làm ăn dù vải Việt Nam có chất lượng, thơm ngon hơn Trung Quốc.


Ngay như thời gian gần đây, trái cây ngoại đang tràn ngập hầu hết các siêu thị trong nước. Điều đáng nói là trước đây trái cây Thái Lan, trái cây Trung Quốc vốn chiếm lĩnh thị phần lớn do giá rẻ, vận chuyển dễ dàng thì nay người dân khi sử dụng trái cây ngoại đã có nhiều cơ hội dùng trái cây từ Âu, Mỹ và Úc. Lý do là giá rẻ và họ tin rằng các loại trái cây có xuất xứ từ các quốc gia này có chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đáng tin cậy hơn.


Theo bà Vũ Kim Hạnh, từ khi làm chương trình “HVNCL - Chuẩn hội nhập”, bà đã xác định với các DN phải đảm bảo hàng hóa, từ nguồn gốc đến chế biến, xuất khẩu đủ tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng với giới hạn về rào cản kỹ thuật, DN nội đang dần đánh mất cơ hội của mình.


Bài 4: Xây dựng hệ sinh thái liên kết kinh doanh – Hướng đi cho doanh nghiệp nội


Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
Chấp nhận chia sẻ ‘sân chơi’ để tồn tại khi hội nhập - Bài 2
Chấp nhận chia sẻ ‘sân chơi’ để tồn tại khi hội nhập - Bài 2

Yếu thế của các doanh nghiệp Việt khi hội nhập là điều ai cũng thấy, nhưng làm thế nào để các doanh nghiệp Việt có thể tồn tại trên sân nhà khi chỉ còn 5 tháng nữa là Hiệp định CPTPP có hiệu lực và Việt Nam sẽ phải mở cửa hoàn toàn, đây là bài toán khó vẫn chưa có lời giải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN