Nhiều áp lực
Theo nội dung ký kết của CPTPP thì 11 quốc gia thành viên tham gia, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam phải bảo đảm sự cân bằng quan hệ kinh tế và tuân thủ sở hữu trí tuệ.
Việc tham gia Hiệp định CPTPP buộc các DN Việt Nam phải tham gia cuộc chơi sòng phẳng, tuân thủ pháp luật các nước sở tại và không được nhà nước bảo hộ như trước. Ảnh minh họa
|
Như vậy, theo lộ trình, các nước tham gia Hiệp định phải đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu (xuống mức 0%); mở cửa thị trường dịch vụ, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của nhà nước…
Ngoài ra, các nước cũng phải chấm dứt sự bảo hộ với các doanh nghiệp (DN) trong nước, thực hiện nghiêm sở hữu trí tuệ, tăng cường hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại… nhằm công bằng, minh bạch cơ chế cũng như thông tin hàng hóa. Đồng thời, các DN nước ngoài không chỉ vào Việt Nam đầu tư thông qua con đường mua bán và sáp nhập (M&A) hay công ty đại diện mà còn có thể mở công ty 100% vốn sở hữu nước ngoài.
Dự kiến, Hiệp định sẽ chính thức triển khai từ cuối năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019. Điều này có nghĩa, DN Việt Nam phải sẵn sàng tham gia “cuộc chơi” để có thể đối đầu với DN ngoại, không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà ngay cả trên sân nhà.
Thế nhưng, đến thời điểm này, rất nhiều DN nội, nhất là các DN vừa và nhỏ (DNVVN) vẫn đang lúng túng và chưa sẵn sàng trước sân chơi hội nhập. Đặc biệt, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, DN Việt Nam không chỉ bị cạnh tranh về sản phẩm, hàng hóa mà ngay cả dịch vụ, lao động phổ thông cũng đang bị cạnh tranh gay gắt tại Việt Nam như giúp việc, hỗ trợ y tế, giáo dục…
Nội lực DN Việt vẫn yếu về mọi mặt
Thực tế, “sức khỏe” của các DN trong nước rất “thất thường”. Chính vì vậy, Nghị quyết 35 của Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020. Thế nhưng, mục tiêu này xem ra khó đạt được khi số DN "chết yểu" bám sát số DN mới thành lập
Hiện nay, các DN nội phần lớn yếu về mọi mặt, chưa được đầu tư mạnh về công nghệ. Ảnh minh họa
|
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ trong quý I/2018, cả nước có 26.785 DN thành lập mới, nâng tổng số lên khoảng 575.800 DN đang hoạt động; nhưng số DN phá sản, ngừng hoạt động cũng gần tương đương, với 20.337 DN. So với cùng kỳ năm trước, tuy giảm 1,4%, nhưng nhìn chung số DN "chết yểu" vẫn… đuổi sát nút số DN được sinh ra.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá số lượng DN rời bỏ thị trường vẫn cao, chứng tỏ việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng.
Theo bà Đỗ Thị Minh Châu, giảng viên Học viện cán bộ TP Hồ Chí Minh, để cạnh tranh với các DN nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước phải thay đổi về mọi mặt. Thế nhưng, nhìn những số liệu trên, “nội lực” DN Việt vẫn đang yếu thế về mọi mặt khi hội nhập.
Đó cũng là lý do trong vài năm trở lại đây, nhiều DN Việt Nam đã phải “bán mình” hoặc bán cổ phần cho các DN nước ngoài. Điển hình như trường hợp các doanh nghiệp Vinamilk, Sabeco, Thaco Trường Hải, Nguyễn Kim, Big C, Kinh Đô…; ngay cả các ngân hàng trong nước cũng phải liên kết, sáp nhập với ngân hàng lớn trong nước hoặc các ngân hàng lớn bán cổ phần cho DN ngoại.
Trên thực tế, những hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) chủ yếu diễn ra ở các DN lớn, có thương hiệu hoặc có thị trường truyền thống lâu đời. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Với các DN lớn còn không có chỗ đứng trên sân nhà thì các DN nhỏ sẽ ra sao khi hội nhập, trong khi hơn 90% DN trong nước chủ yếu là DNVVN. Vậy, câu hỏi lúc này: Chúng ta sẽ làm chủ hay làm thuê? Trong khi đó, so với các nước lân cận, Việt Nam chỉ mới hơn Myamar, Bangladesh, Campuchia và Nepan, tuy nhiên các nước này cũng chuẩn bị vượt qua Việt Nam.
Nếu không có lựa chọn phù hợp, DN nội chắc chắn sẽ chấp nhận thua trên sân nhà, bị “nuốt chửng” bởi những ông lớn hoặc làm thuê cho các DN ngoại.
Bài 2: Chấp nhận chia sẻ "sân chơi" để tồn tại khi hội nhập