Bài cuối: Muốn hội nhập, phải thiết lập được một 'môi trường sạch'

Đại diện các cơ quan chức năng, các luật sư đều cho rằng, đã đến lúc phải có môt "môi trường sạch" trong lĩnh vực bản quyền, để Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam có vị thế để hội nhập.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ:


Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng về kinh tế với khu vực và thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do với các đối tác hàng đầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu. Thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), trong đó có thực thi bằng biện pháp hình sự, là một trong những nội dung quan trọng trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và là nội dung được đặc biệt nhấn mạnh bởi các đối tác phát triển.

Ông Lê Ngọc Lâm: "Các nước phát triển có xu hướng “hình sự hóa” các hành vi xâm phạm SHTT bằng cách mở rộng đối tượng áp dụng biện pháp thực thi hình sự".

Thông qua các hiệp định thương mại tự do, các nước phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản, muốn hướng tới một cơ chế thực thi mạnh mẽ hơn những chuẩn mực được đặt ra trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS). Đặc biệt, các nước phát triển có xu hướng “hình sự hóa” các hành vi xâm phạm SHTT bằng cách mở rộng đối tượng áp dụng biện pháp thực thi hình sự (không chỉ nhãn hiệu, quyền tác giả, quyền liên quan mà cả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh…).


Các hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử lý hình sự cũng có xu hướng được mở rộng, ví dụ hành vi xuất nhập khẩu, hành vi xâm phạm bí mật thương mại, hay thậm chí quay phim trong rạp. Các quy định này “hình sự hóa” quan hệ dân sự và có thể xâm phạm cả quyền cá nhân. Sự thay đổi này khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng.


Trong những năm qua, pháp luật về thực thi, bảo vệ quyền SHTT, trong đó có thực thi bằng biện pháp hình sự không ngừng được củng cố, hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi, bảo vệ quyền SHTT. Bộ luật Hình sự 1999, tiếp đó là Bộ luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2009 và Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 đã từng bước cụ thể hoá các hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử lý hình sự cũng như các chế tài tương ứng, phù hợp với thông lệ thế giới cũng như điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự 2015 đã lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Đây là bước tiến quan trọng, góp phần đưa pháp luật hình sự của nước ta gần hơn với chuẩn mực pháp luật của các nước tiên tiến trên thế giới, qua đó tăng cường tính răn đe của pháp luật hình sự đối với tội phạm song cũng đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước nhiều thách thức trong việc tuân thủ pháp luật.


Ông Lương Minh Huân, Phó Viện trưởng, Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI):


Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền SHTT, Việt Nam đã và đang ngày càng hoàn thiện các khung khổ pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ giúp các doanh nghiệp và người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan đến SHTT, thông qua việc ban hành Luật SHTT năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2009 cùng các nghị định. Bên cạnh các luật chuyên ngành quy định riêng về SHTT thì quyền SHTT còn được quy định bổ sung trong các luật khác như Bộ Luật Dân sự hay Bộ luật Hình sự.


Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại với các hành vi xâm phạm quyền SHTT, quyền tác giả, xâm phạm nhãn hiệu... đã khẳng định sự quyết tâm của Quốc hội, Chính Phủ trong việc nâng cao công tác thực thi, bảo hộ quyền SHTT.


Cùng với việc khung khổ pháp lý về SHTT ngày càng được hoàn thiện, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về quyền và nghĩa vụ liên quan đến SHTT ngày càng được nâng cao. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có ý thức và dành nhiều quan tâm trong việc bảo vệ quyền Sở hữu tuệ của mình thông qua việc đăng ký bảo hộ SHTT. Theo Báo cáo thường niên Hoạt động SHTT 2016 của Cục SHTT, lượng đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp nộp vào Cục tăng cao (14,2%), kết quả xử lý đơn sáng chế tăng cao so với năm 2015 (tăng 23%), đặc biệt là việc xử lý đơn sáng chế của người Việt Nam được quan tâm và thúc đẩy.Tuy nhiên việc nhận thức về những hành vivi phạm quyền SHTT, quyền tác giả trong đó có bản quyền phần mềm vẫn chưa được các doanh nghiệp nhận thức đầy đủ.


Với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì xúc tiến trong lĩnh vực khoa học công nghệ, SHTT đã và đang được VCCI chú trọng. Bởi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, bảo hộ quyền SHTT… là yếu tố cốt lõi góp phần tạo nên thành công của doanh nghiệp, nên việc cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức sẽ giúp cho doanh nghiệp chủ động bảo vệ những tài sản vô hình, hữu hình cũng như có ý thức tuân thủ pháp luật về SHTT để nâng cao sức cạnh tranh, chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.


Ông Gary Gan, Giám đốc Chương trình Tuân thủ Khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, BSA| Liên minh Phần mềm:


Các doanh nghiệp nên sử dụng mô hình Quản lý Tài sản Phần mềm để bảo đảm chỉ cài đặt, sử dụng phần mềm hợp pháp, có giấy phép trong tổ chức. 

Ông Gary Gan: Doanh nghiệp nên sử dụng mô hình Quản lý Tài sản Phần mềm để bảo đảm chỉ cài đặt, sử dụng phần mềm hợp pháp, có giấy phép trong tổ chức".

Về cơ bản, quy trình này bao gồm 4 bước: Đầu tiên, các doanh nghiệp tiến hành đánh giá kiểm kê để biết được công ty đang sử dụng phần mềm có bản quyền hay không phép. Bước thứ hai, các phần mềm phải đồng bộ với nhu cầu của doanh nghiệp mình. Bước thứ ba là công ty nên đề ra các qui trình trong nội bộ doanh nghiệp. Cuối cùng, các doanh nghiệp nên tiến hành tích hợp các bộ phận trong nội bộ doanh nghiệp mình để có được việc sử dụng các phần mềm có phép.


PT/ Báo Tin tức
Không ‘nương tay’ với vi phạm bản quyền phần mềm, dám phạt lên tới 3 tỷ đồng
Không ‘nương tay’ với vi phạm bản quyền phần mềm, dám phạt lên tới 3 tỷ đồng

Trong 5 năm tới Việt Nam phấn đấu tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính giảm xuống ngang bằng với các nước trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN