Chấp nhận chia sẻ ‘sân chơi’ để tồn tại khi hội nhập - Bài 2

Yếu thế của các doanh nghiệp Việt khi hội nhập là điều ai cũng thấy, nhưng làm thế nào để các doanh nghiệp Việt có thể tồn tại trên sân nhà khi chỉ còn 5 tháng nữa là Hiệp định CPTPP có hiệu lực và Việt Nam sẽ phải mở cửa hoàn toàn, đây là bài toán khó vẫn chưa có lời giải.

Thiếu vốn để xoay chuyển

Theo bà Đỗ Thị Minh Châu, giảng viên Học viện cán bộ TP Hồ Chí Minh, việc sử dụng đồng vốn nhà nước hiện nay tại Việt Nam được các chuyên gia nước ngoài đánh giá là vẫn chưa hiệu quả. Bởi hiện nay, Việt Nam đang ở trình độ kinh tế công nghiệp 1, nghĩa là mới hơn 0 và vẫn nhận viện trợ nước ngoài, phụ thuộc vào doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài.

Hiện Việt Nam đang ở trình độ công nghiệp 1, vẫn phải phụ thuộc đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa

Nếu đi vào giai đoạn 2, Việt Nam vẫn phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Chỉ khi đến giai đoạn 3 thì Việt Nam mới có thể tự chủ về kinh tế công nghiệp và giai đoạn 4, ngoài tự chủ còn phân phối công nghệ toàn cầu.


So sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam mới giai đoạn 1; Thái Lan và Myamar đang ở giai đoạn 2; Singapore , Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc) ở giai đoạn 3; Hàn Quốc, Nhật Bản ở giai đoạn 4. Như vậy, Việt Nam vẫn tụt hậu và tụt xa hơn với các nước về kinh tế, công nghệ.


Trong khi đó, nợ công vẫn lớn mà trả chưa hết. Trong kỳ họp Quốc hội ngày 25/6 mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã cho biết tốc độ gia tăng nợ công giảm gần một nửa, còn khoảng 9,6%/năm so với bình quân 18,1%/năm của giai đoạn 2011 - 2015. Nợ công giảm từ 63,6% GDP cuối năm 2016 xuống 61,4% GDP vào cuối năm 2017, nợ chính phủ giảm tương ứng từ 52,6% GDP xuống 51,8% GDP.


Theo đánh giá bà Đỗ Thị Minh Châu, mặc dù nợ công đã được cơ cấu lại tích cực, cả về cơ cấu kỳ hạn, lãi suất, cơ cấu vay trong nước và vay ngoài nước… nhưng vẫn cao, chưa kể năng lực cạnh tranh của Việt Nam liên tục trồi sụt khiến nhà đầu tư nước ngoài nản lòng dù đã tiếp cận, đầu tư và kỳ vọng. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế Việt Nam trong tương lai xa.


Nếu kinh tế Việt Nam không cải thiện và không thay đổi cách tính thì sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ bị đi xuống. Điều này đồng nghĩa, DN Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Theo đó, dù DN muốn vay vốn để đổi mới công nghệ, đầu tư trang thiết bị, máy móc, tái đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh… cũng khó có thể thực hiện được do không đủ khả năng chứng minh trả nợ, hoặc không có tài sản thế chấp để trả nợ…


M&A hoặc là chết


Trước thực tế trên, hiện nay nhiều DN nội đã phải chấp nhận chia sẻ “sân chơi” khi hội nhập bằng cách bán cổ phần, liên kết hợp tác đầu tư với doanh nghiệp nước ngoài để có thể tái cấu trúc doanh nghiệp một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, bán bao nhiêu là vừa để không phải bị “thâu tóm” hoặc mất quyền kiểm soát lại không phải chuyện dễ dàng.

Trước sức ép cạnh tranh của DN ngoại, nhiều DN phải tìm hướng M&A hoặc mua lại thương hiệu nhượng quyền của nước ngoài để kinh doanh. Ảnh minh họa

Cụ thể như thương hiệu Kinh Đô, một thời nổi tiếng trong ngành bánh kẹo Việt nhưng trước sức ép cạnh tranh của nhiều thương hiệu ngoại tràn vào Việt Nam, Kinh Đô đã phải bán hết cổ phần cho DN ngoại là Mondelez International (NASDAQ - MDLZ) - một công ty bánh kẹo của Singapore. Như vậy, thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng Kinh Đô đã chính thức chuyển thành doanh nghiệp 100% vốn ngoại.


Từng là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực chế biến xúc xích tươi, tuy nhiên Đức Việt đã quyết định bán cho tập đoàn thực phẩm Hàn Quốc Daesang Corp với giá 32 triệu USD khiến nhiều người không khỏi nuối tiếc trước một thương hiệu Việt đã có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.


Hay như được mệnh danh là một trong các thương hiệu Việt đình đám, tuy nhiên cái kết của Diana giống nhiều thương hiệu Việt trước đó. Diana đã quyết định bán đứt 95% cổ phần cho tập đoàn hàng gia dụng Nhật Bản Unicharm.


Mới đây nhất là Sabeco bán hơn 53% cổ phần cho công ty của tỉ phú Thái Lan. Tất nhiên, tiếng nói của Sabeco đã không còn trên sân nhà. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần truyền thông tài chính StoxPlus cho rằng, việc Sabeco có bị "thôn tính" hay không, không quan trọng, quan trọng là có lợi cho người tiêu dùng, cho nền kinh tế và đặc biệt là cho cổ đông của DN. Bài học từ Vinamilk đã cho thấy điều đó.


Dù vậy, đi từ khởi nghiệp đến thành công, xây dựng một thương hiệu có tiếng rồi phải bán đi một phẩn cổ phần trong bối cảnh hội nhập là những câu chuyện “xót lòng”, nhưng nhiều DN nội cho biết đó là hướng đi tất yếu.


Ông V.C., Tổng giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nặng, cho biết khi quyết định bán hơn 40% cổ phần công ty ông gầy dựng, ông đã suy nghĩ rất nhiều. Bởi khó khăn bủa vây, chi phí ban đầu cho lĩnh vực công nghiệp rất lớn, dài hạn nên rủi ro. Chưa kể các chính sách thường thay đổi bất ngờ theo hướng bất lợi nếu DN 100% vốn trong nước, nhưng nếu liên doanh với nước ngoài, mọi thứ sẽ khác đi...


"Khác đi" theo ông V.C., chính là kỳ vọng việc bị "hành" từ các thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra, nhũng nhiễu... sẽ phần nào giảm bớt. Và đến nay, ông vẫn không hối tiếc với quyết định này.


Ông Mạc Quốc Anh - Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, chủ tịch HĐQT Công ty CP hàng hóa Mac, cũng cho biết rằng lý do khiến những doanh nhân quyết định "bán mình" là họ muốn dừng lại để thu lợi nhuận, cũng có thể họ thiếu niềm tin kinh doanh tiếp. "Do đó, Nhà nước cần phải tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng giữa các thành phần doanh nghiệp", ông Quốc Anh kiến nghị.


Bài 3:Doanh nghiệp nội chồng chất khó khăn, từ ‘sân nhà’ đến ‘sân bạn’


Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh nâng chất và phủ rộng hàng bình ổn thị trường
TP Hồ Chí Minh nâng chất và phủ rộng hàng bình ổn thị trường

Nguồn hàng bình ổn phải chiếm 30 - 50% thị trường, nâng cao chất lượng hàng hoá, khuyến khích xã hội hóa để doanh nghiệp mở rộng kênh phân phối đưa hàng nhanh đến tận tay người dân, gắn chương trình bình ổn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN