TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Kinh tế sẽ khởi sắc nếu đẩy lùi tệ nạn tham nhũngMức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay đạt 7,08% là một kết quả tốt không ngoài dự kiến, nói lên nền kinh tế nước ta vẫn đang trong quá trình duy trì ổn định và phục hồi tăng trưởng khá. Kinh tế sẽ tăng trưởng tốt hơn nếu công cuộc chống tham nhũng tiêu cực, cải cách bộ máy quản lý được tiếp tục đẩy mạnh để tạo thêm niềm tin và ủng hộ của người dân cả nước và cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên nếu xét về cơ cấu và chất lượng tăng trưởng, chúng ta chưa thể vui mừng khi sự phụ thuộc quá nhiều vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa có chuyển biến rõ. Điều đó nói lên lợi ích quốc gia về kinh tế chưa được như mong muốn, nội lực nền kinh tế chưa thật sự được phát huy ở mức có thể và tính bền vững trong phát triển còn bị hạn chế.
Dự báo tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu kế hoạch cả năm 6,5 - 6,7%, nếu không có thiên tai bão lụt, biến đổi khí hậu nghiêm trọng ở trong nước và kinh tế, thị trường thế giới biến động lớn chưa lường được.
Vì vậy chúng ta cần kiên định và kiên quyết giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát tăng cao. Đưa nhanh vào cuộc sống các chính sách biện pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và hệ thống tín dụng, chống thất thoát và giải ngân nhanh vốn đầu tư công, giảm nợ xấu, khống chế nợ công, tiết giảm chi thường xuyên của ngân sách; tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp có chất lượng cao hơn và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản thanh thoát thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phải chuẩn bị mọi phương án đối phó với những tác động xấu của biến động thị trường thế giới và thiên tai biến đổi khí hậu trên cả 3 miền đất nước nếu xảy ra.
TS Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương): Tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDIGDP 6 tháng đầu năm đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 dựa vào khá nhiều yếu tố tích cực. Tuy nhiên chúng ta cũng phải đặt vấn đề, con số tăng trưởng trên nhờ vào đâu, trong đó nhờ tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,02% (mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây). Mức tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc khá lớn vào các doanh nghiệp FDI. Hiện tại các doanh nghiệp FDI đóng góp nhiều về tạo ra việc làm, kim ngạch xuất khẩu và một phần nào là thu ngân sách cho nền kinh tế.
Từ nay tới cuối năm, cơ quan điều hành cần lưu ý cảnh giác với lạm phát, khi áp lực đang khá lớn, giá cả hàng hóa thế giới, dầu thô tăng cao; các chính sách cạnh tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, các đối tác thương mại của Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng: Cải thiện chất lượng tăng trưởng
Với chỉ số GDP tăng 7,08% trong 6 tháng đầu năm thì việc hoàn thành mục tiêu, đạt được chỉ số 6,8% trong năm nay không phải là điều khó khăn. Tuy nhiên việc đạt được chỉ số GDP tăng trưởng chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ phải là chất lượng của tăng trưởng.
Đối với vấn đề cuộc sống của người dân, có thể thấy việc tăng trưởng GDP ở con số cao nhưng chỉ tập trung ở những thành phần giàu có, còn những người nghèo mức sống không được cải thiện nhiều.
Hơn nữa, GDP tăng trưởng cao như vậy nhưng vẫn thuộc về lĩnh vực FDI. Đây là lĩnh vực xuất khẩu rất nhiều nhưng không đóng góp lớn cho nền kinh tế. Chất lượng của tăng trưởng trong thời gian hiện tại còn thiếu nhiều mặt.