Có lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách và lobby (vận động) chính sách hay không? Đó là câu hỏi được một số đại biểu chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trong phiên trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây. “Quy trình xây dựng luật rất chặt chẽ, song cũng không loại trừ văn bản dưới luật còn có sơ hở, nên thực tế là có thể có lợi ích nhóm. Còn việc có lobby chính sách hay không, thì chưa thể kết luận” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã trả lời như vậy.
Cũng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, mặc dù quy trình xây dựng luật rất chặt chẽ, nhưng quy trình xây dựng thông tư, thông tư liên tịch vẫn còn có kẽ hở, thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Nhiều văn bản có sự mâu thuẫn, thậm chí “đá” nhau có nguyên nhân xuất phát từ lợi ích cục bộ của một số bộ, ngành mà gây hại cho cái chung. Dẫn chứng việc Chính phủ ban hành các nghị định về kinh doanh vàng, xăng dầu, điện… chủ trương thì rất rõ là tiến tới cơ chế thị trường, nhưng nhiều văn bản, thông tư hướng dẫn thi hành lại thiếu chặt chẽ, đã tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp trục lợi từ sự thiệt hại của người tiêu dùng và của cả nền kinh tế. Cụ thể, việc giá điện, xăng dầu… ở nước ta (những mặt hàng Nhà nước quản lý giá hoặc bình ổn giá) luôn “lên nhanh - xuống chậm”, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của thị trường thế giới và các nước trong khu vực. Vậy nên, những nghi ngờ về hiện tượng trục lợi chính sách là có cơ sở.
Để xảy ra những bất cập trên, trước hết là do các cơ quan chức năng làm không hết trách nhiệm, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý triệt để những hành vi vi phạm. Đó là sự yếu kém, thiếu thực tế, thiếu vốn sống của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; sự thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Ở khía cạnh khác, có chế tài nhưng chỉ mang tính hình thức và mức xử phạt không đủ sức răn đe, ngăn chặn. Thực tế cho thấy, do thiếu chế tài nên một số luật ngày càng xa rời cuộc sống hoặc ít phát huy hiệu lực và lâu dần bị lãng quên.
Nhìn sang một số nước trong khu vực như Singapore, Malaysia..., người ta có những hình phạt nghiêm khắc với các hành vi làm ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng (ở Singapore, hút thuốc là nơi công cộng sẽ bị xử phạt 1.000 USD). Chính nhờ chế tài mạnh đã nhắc nhở mọi người nêu cao ý thức tuân thủ pháp luật. Còn ở nước ta, nếu cứ xử lý theo kiểu “đầu voi, đuôi chuột” thì rất dễ nhờn luật và tình trạng luật đã ban hành nhưng không đi vào cuộc sống là dễ hiểu.