Xuất khẩu gạo năm 2013 có thể sẽ gặp nhiều khó khăn về thị trường. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phải điều hành xuất khẩu gạo về lượng cũng như về giá để đảm bảo tiêu thụ hết lúa hàng hóa và đảm bảo cho người nông dân có lãi: “Ngay vụ đông xuân tới đây, phải triển khai sớm việc thu mua tạm trữ hết lúa hàng hóa cho bà con, không được để nông dân phải lo không bán được lúa hoặc phải bán với giá thấp”.
Nhập kho gạo thu mua của nông dân tại nhà máy xay xát chế biến Việt - Nguyên (Công ty Lương thực Tiền Giang) để phục vụ xuất khẩu. |
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nông nghiệp là trụ đỡ hết sức quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, trong đó, việc sản xuất và xuất khẩu lúa gạo không chỉ đóng vai trò quan trọng với kinh tế đất nước mà còn góp phần đảm bảo đời sống người nông dân. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo: “Diễn biến thị trường xuất khẩu gạo có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn. Lúc thuận lợi thì phải điều hành xuất khẩu gạo để đem lại lợi ích tối đa cho đất nước, người nông dân. Lúc khó khăn thì các doanh nghiệp, Chính phủ phải đứng ra hỗ trợ nông dân, không để khó khăn gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống người nông dân”.
Thủ tướng cũng cho biết, Nhà nước sẵn sàng sử dụng cơ chế tài chính để thực hiện tạm trữ lúa cho bà con. Hơn nữa, không nên quá lo lắng về thị trường tiêu thụ lúa gạo vì thế giới hiện vẫn trong xu hướng thiếu lương thực, và ở trong nước, chúng ta lại chuyển dịch mạnh trồng trọt sang chăn nuôi nên nhu cầu lúa gạo cũng rất lớn. Vì thế, cần chủ động về các kế hoạch tiêu thụ lúa gạo cho sản xuất trong nước.
Về tình hình xuất khẩu gạo năm 2013, VFA cho biết, dự báo thị trường gạo thế giới năm 2013 sẽ khó khăn hơn năm 2012 do nguồn cung dồi dào, trong khi nhu cầu giải quyết tồn kho ở các nước xuất khẩu gạo là rất lớn, nhất là Thái Lan. Trong đó, sự cạnh tranh gay gắt sẽ đến từ các nước có nguồn cung dồi dào gồm Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Pakixtan và Mianma.
Riêng trong quý 1 này, cùng với việc thu hoạch xong vụ đông xuân ước đạt 3,8 triệu tấn gạo hàng hóa cùng với 800.000 tấn gạo còn tồn kho nên lượng gạo xuất khẩu dự kiến khá dồi dào, có thể lên tới 4,6 triệu tấn gạo hàng hóa. Tuy nhiên, theo nhận định của Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong, khả năng xuất khẩu gạo trong quý 1 năm nay sẽ khó khăn hơn cùng kỳ năm 2012, đặc biệt là trong tháng 1 và 2. “Hiện chúng ta chưa ký được hợp đồng tập trung để giữ giá do nhiều thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như châu Á, châu Phi không có kế hoạch nhập khẩu. Thị trường Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn, vẫn giữ mức hạn ngạch nhập khẩu cho Việt Nam nhưng lại chưa cấp quota cho Việt Nam. Trong khi đó, tồn kho gạo của nhiều nước xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Thái Lan tăng cao sẽ làm tăng tính cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu gạo”, ông Trương Thanh Phong cho biết.
Do đó, mục tiêu hàng đầu của công tác điều hành xuất khẩu gạo trong quý I/2013 là giải quyết hết lượng lúa đông xuân. Theo ông Trương Thanh Phong, trong quý I, VFA cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu khoảng 1,4 triệu tấn gạo, các doanh nghiệp mua lưu kho 2,5 triệu tấn gạo. Mặc dù vậy, VFA cũng đề nghị Chính phủ cho thu mua tạm trữ 1,5 triệu tấn gạo, dự kiến triển khai trong tháng 2/2013 để tăng cường mua lúa gạo hàng hóa cho người nông dân.
VFA cho biết, sẽ điều hành để thực hiện cho hiệu quả những hợp đồng xuất khẩu đã ký và tập trung để ký thêm được các hợp đồng mới với Trung Quốc. Năm 2012, cùng với việc mở rộng thị trường xuất khẩu gạo thơm thì lượng gạo thơm xuất khẩu đã tăng tới 50% so với năm 2011. Vì vậy, VFA sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp để giữ vững những thị trường đã giao gạo thơm như Hồng Kông, Malaixia, Inđônêxia, khu vực Tây Phi. VFA đề nghị Chính phủ hỗ trợ tạm trữ cả lúa gạo thường và lúa gạo thơm vì hiện nay chúng ta đang có chủ trương khuyến khích nông dân chuyển sang sản xuất các loại lúa gạo chất lượng cao.
Năm 2012 thị trường chính của gạo Việt Nam vẫn là châu Á (chiếm 71% tổng lượng gạo xuất khẩu), bao gồm Trung Quốc, Inđônêxia, Malaixia, Philíppin… Kế đến là thị trường châu Phi (khoảng 23%), chủ yếu xuất gạo chất lượng cao (loại 5% tấm, gạo thơm…). Năm 2012 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo đã đạt mức kỷ lục 7,7 triệu tấn; giá lúa bình quân đạt 5.500 đồng/kg, trong khi giá thành cao nhất là 3.800 đồng/kg nên đã đảm bảo thu nhập cho người nông dân.
Hường - Hoàng