Dầu mỏ, chứng khoán biến động suốt tuần

Thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua biến động thất thường trong bối cảnh các thị trường tài chính bất ổn, nguồn cung dầu tiếp tục dư thừa, trong khi nhu cầu yếu đi từ Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới.


Thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua biến động thất thường do nguồn cung dư thừa mà nhu cầu yếu đi.


Thị trường dầu mỏ đã mở đầu tuần (ngày 31/8) bằng một phiên tăng giá, tiếp nối hai phiên tăng giá từ tuần trước đó nữa và ghi nhận ba phiên tăng giá liên tiếp đối với hợp đồng dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI), vượt lên khỏi mức thấp nhất trong sáu năm rưỡi trước đó.


Tuy nhiên, ngay trong phiên tiếp theo (1/9), giá dầu đã đảo chiều đi xuống sau khi Trung Quốc công bố số liệu yếu kém trong hoạt động công nghiệp của nước này, làm dấy lên những lo ngại về nhu cầu tại quốc gia tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới. Trong phiên 3/9, giá dầu hồi phục trở lại do được hỗ trợ từ thông tin cho hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ tung thêm một số biện pháp kích thích tăng trưởng tại các nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong trường hợp cần thiết.


Đà giảm lại trở lại trong phiên cuối tuần 4/9 khi nhà đầu tư cân nhắc về triển vọng kinh tế Mỹ sau số liệu mới nhất cho thấy thị trường việc làm trong tháng Tám của Mỹ không mấy ấn tượng và không đủ mạnh để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể lấy đó làm căn cứ củng cố dự định nâng lãi suất. Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tháng Tám, nền kinh tế Mỹ tuy tạo được ít việc làm hơn dự kiến, song tỷ lệ thất nghiệp trong tháng giảm xuống 5,1% - mức thấp nhất kể từ tháng 4/2008. Dù vậy, số việc làm được tạo ra chưa đủ mạnh để giúp FED có thể có những quyết định cuối cùng về việc sẽ nâng lãi suất tại cuộc họp vào hai ngày 16-17/9 sắp tới.


Đóng cửa phiên cuối tuần tại New York, giá dầu WTI giao tháng 10/2015 giảm 70 xu Mỹ (1,5%) so với phiên trước, xuống chốt tuần ở mức 46,05 USD/thùng, trong lúc tại London, giá dầu Brent giao cùng kỳ giảm 1,07 USD (2,1%) xuống chốt tuần ở mức 49,61 USD/thùng. Tính chung trong cả tuần, giá dầu WTI vẫn tăng được 1,8% so với một tuần trước đó, trong khi giá dầu Brent giảm 0,9% so với tuần trước nữa.


* Những lo ngại về kinh tế Trung Quốc và toàn cầu đã bao trùm lên thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng và thế giới nói chung trong tuần qua, dẫn tới tình trạng bán tháo trên diện rộng, từ các cổ phiếu của những doanh nghiệp công nghệ khổng lồ, công ty hay tập đoàn công nghiệp danh tiếng cho tới các ngân hàng. Những số liệu tích cực của nền kinh tế Mỹ cũng không làm thay đổi tình hình bi đát này.


Hoạt động bán tháo diễn ra trên các thị trường cổ phiếu từ khắp châu Á, qua châu Âu, sang Mỹ, đẩy các chỉ số cơ bản của chứng khoán Phố Wall chìm trong màu đỏ trong hầu như suốt cả các phiên trong tuần.


Tính chung trong cả tuần qua, chỉ số Dow Jones Industrial Average để mất 3,2% xuống chốt tuần ở 16.102,38 điểm. Nếu so với phiên đầu năm 1/1/2015, chỉ số này đã sụt giảm gần 9,7%. S&P 500 để mất 3,4% trong cả tuần, xuống chốt tuần ở 1.921,22 điểm và thấp hơn phiên đầu năm 6,7%. Tương tự, Nasdaq Composite cũng trượt giảm 3,0% xuống 4.683,92 điểm, lùi 1,1% so với hồi đầu năm.


Theo các nhà phân tích, nhân tố Trung Quốc cùng tác động của nó tới hoạt động và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết là rất đáng quan ngại, ảnh hưởng mạnh tới nhu cầu và giá hàng hóa, tác động tới các nền kinh tế ở những quốc gia quan trọng. Bắc Kinh đã cho thấy họ chỉ có thể trấn an được cơn hoảng loạn bán cổ phiếu ở Trung Quốc trong một vài phiên và các nhà phân tích dự đoán thị trường chứng khoán Thượng Hải sẽ còn tiếp tục mất điểm nhiều hơn nữa khi mở cửa trở lại vào tuần tới, sau kỳ nghỉ nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít.


Những lo ngại về sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc cùng khả năng của Bắc Kinh giải quyết vấn đề này đang là những chủ đề trọng tâm tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của nhóm G20 trong hai ngày 4-5/9 tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ). Trước cuộc họp này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng tác động của việc kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại lên các nước khác là lớn hơn dự đoán ban đầu. Thể chế tài chính này nhấn mạnh rằng các nền kinh tế vững mạnh hơn cần tiến bước và duy trì chi tiêu để kích thích tăng trưởng, trong khi các nền kinh tế khác cần đẩy mạnh cải cách nhằm củng cố thị trường và đầu tư.


Một số nhà phân tích hy vọng rằng trong tuần tới, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ bớt bất ổn hơn trong tuần qua. Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đóng cửa nghỉ lễ Ngày Lao động trong phiên thứ Hai đầu tuần 7/9.


Thùy Chi (Theo AFP)
Mỹ-Trung cáo buộc lẫn nhau gây bất ổn chứng khoán thế giới
Mỹ-Trung cáo buộc lẫn nhau gây bất ổn chứng khoán thế giới

Một mặt buộc tội Mỹ gây biến động thị trường chứng khoán toàn cầu, một mặt Trung Quốc khẩn trương ứng phó với “tình hình trong nước”, đó là giảm tỷ lệ lãi suất tiền gửi ngân hàng và tiền cho vay, đưa ra các yêu cầu về nguồn dự trữ của các ngân hàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN