Theo hãng tin TASS của Nga, ngày 29/6, cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cộng với Đức) về chương trình hạt nhân của Tehran vẫn tiếp tục tại thủ đô Vienna của Áo, tuy nhiên sẽ không có sự tham gia của các bộ trưởng Ngoại giao, những người đã trở về nước để tham vấn.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (thứ 2, trái) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (thứ 2, phải) tại vòng đàm phán ở Vienna ngày 27/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Dự kiến, trong ngày làm việc 29/6, các bên đàm phán sẽ tập trung thảo luận văn kiện cuối cùng được cho là nhằm xóa bỏ hoàn toàn mối lo ngại của cộng đồng thế giới về việc Iran phát triển chương trình hạt nhân với mục đích quân sự, đồng thời kết thúc các cuộc đàm phán kéo dài hơn một thập kỷ qua. Sau nhiều năm đàm phán, lập trường của Iran và P5+1 trong nhiều khía cạnh đã xích lại gần nhau. Hiện các bên vẫn còn bất đồng về quy chế cấm vận và việc bãi bỏ các hạn chế đối với Iran, các thể thức của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các cơ chế quốc tế nhằm kiểm soát việc thực hiện thỏa thuận. Nếu các bên đàm phán đạt được sự đồng thuận, bộ trưởng Ngoại giao các nước sẽ quay trở lại Vienna để tiến tới ký kết một thỏa thuận mang tính lịch sử.
Bất chấp những khó khăn vẫn còn tồn tại trước đó, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini hy vọng rằng thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran có thể đạt được trong vài ngày tới khi cho rằng các bên đã thể hiện ý chí chính trị cần thiết trong đàm phán. Bà cũng cho biết Iran và nhóm P5+1 đã nhất trí được nhiều chi tiết kỹ thuật trong văn kiện cuối cùng cách đây vài tháng tại Thụy Sĩ. Việc soạn thảo những chi tiết kỹ thuật này đã diễn ra tốt đẹp và sẽ tiếp tục được thực hiện nhằm đạt được kết quả cuối cùng.
Theo kế hoạch, các bên cần đạt được một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran trước ngày 30/6, tuy nhiên những bất đồng vẫn còn tồn tại đến nay có thể làm lỡ thời hạn chót này. Bà Mogherini nêu rõ nếu cần thiết, cuộc đàm phán có thể kéo dài thêm vài ngày sau thời hạn quy định để đạt được một thỏa thuận có chất lượng. Bà thừa nhận cuộc đàm phán đang diễn ra rất căng thẳng, tuy nhiên không có nghĩa là các bên sẽ không thể đạt thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.
Hồi đầu tháng 4 vừa qua, tại Thụy Sĩ, Iran và nhóm 5+1 đã đạt được thỏa thuận khung và đặt mục tiêu tới ngày 30/6 này sẽ đạt được thỏa thuận toàn diện cuối cùng để có thể kết thúc hồ sơ hạt nhân Iran, một trong những hồ sơ được xem là gai góc nhất trong quan hệ quốc tế đương đại. Sau nhiều năm căng thẳng và 20 tháng thương lượng ráo riết, đây được xem là thời điểm lịch sử có thể ký kết một thỏa thuật hạt nhân với Iran với mục tiêu là bảo đảm chương trình hạt nhân của Tehran hoàn toàn phục vụ mục tiêu dân sự. Đổi lại, quốc tế sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đè nặng lên kinh tế Iran từ năm 2005.